Kết nối doanh nghiệp trong nước và quốc tế thúc đẩy phát triển, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

NDO - Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản và sản phẩm nông nghiệp nông thôn và giúp các doanh nghiệp quốc tế tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam, xúc tiến xuất khẩu thiết bị, vật tư nông nghiệp, công nghệ sản xuất, công nghệ chế biến sau thu hoạch là một trong những mục tiêu của AgroViet 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị giao thương là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam được trực tiếp tiếp cận, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản vào thị trường quốc tế.
Hội nghị giao thương là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam được trực tiếp tiếp cận, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản vào thị trường quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu đó, ngày 15/9, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ “Hội nghị giao thương trực tiếp doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài”, hội nghị thu hút sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Xuất nhập khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản của Việt Nam tăng trưởng khoảng 8-10%/năm. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của ngành nông nghiệp Việt Nam đạt 98,38 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 53,53 tỷ USD, nhập khẩu 44,85 tỷ USD, thặng dư trên 8 tỷ USD.

Trong 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 59,69 tỷ USD, giảm 11,04% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu 33,21 tỷ USD giảm 9,5%, nhập khẩu 26,48 tỷ USD giảm 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam được trực tiếp tiếp cận, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản vào thị trường quốc tế; tìm hiểu các đối tác và sản phẩm máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ nông nghiệp của các nhà cung ứng đến từ các quốc gia tham gia Hội chợ.

Đồng thời, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa nước ngoài trực tiếp tiếp cận, tìm kiếm nguồn hàng và đối tác cung ứng tin cậy từ Việt Nam.

Hội nghị còn là diễn đàn để các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường sản xuất, kinh doanh hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam.

Kết nối doanh nghiệp trong nước và quốc tế thúc đẩy phát triển, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ảnh 1

Ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp chia sẻ tại hội nghị.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Viễn Thành, đại diện sản phẩm Life & Tech tại Việt Nam, đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ kỹ thuật cao trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc thông tin về việc cung cấp các giải pháp công nghệ kỹ thuật cao cho ngành nông nghiệp và bày tỏ mong muốn có nhiều hơn sự hợp tác với quý cơ quan, ban ngành, các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao cho ngành nông nghiệp tại Việt Nam.

“Việc tham dự Hội nghị giao thương lần này hy vọng sẽ là bước đệm cho sự phát triển của Life & Tech tại Việt Nam và của ngành nông nghiệp Việt Nam trong tương lai”, ông Thành khẳng định.

Cũng theo ông Thành, việc ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp người dân giảm thiểu sức lao động, nâng cao giá trị của nông sản. Do đó, mô hình hệ thống trung tâm chế biến nông sản mà đơn vị cung ứng sẽ được triển khai và áp dụng tại Việt Nam, đồng hành cùng người nông dân trong việc quản lý chế biến một cách có hệ thống, nâng cao giá trị, chất lượng nông sản và đẩy mạnh việc lưu thông trong và ngoài nước.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp trực tiếp tiếp cận, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản ra thị trường quốc tế, tìm hiểu các đối tác và sản phẩm máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ nông nghiệp của các nhà cung ứng đến từ các quốc gia tham gia hội chợ AgroViet 2023.

Đồng thời đây cũng là dịp để các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa nước ngoài trực tiếp tiếp cận, tìm kiếm nguồn hàng và đối tác cung ứng tin cậy từ Việt Nam. Hội nghị còn là diễn đàn để các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường sản xuất, kinh doanh hàng nông lâm thủy sản Việt Nam.

Ông Park Ki Woo, Tổng Giám đốc Công ty GAIA International Vina, cho biết doanh nghiệp này chuyên cung cấp giải pháp công nghệ kỹ thuật cao trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc, là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ chế biến nông sản sau thu hoạch tại Hàn Quốc.

Kết nối doanh nghiệp trong nước và quốc tế thúc đẩy phát triển, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ảnh 2

Hội nghị giao thương trực tiếp doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.

“Chúng tôi mang đến những công nghệ cảm biến chất lượng không phá hủy (Non-destructive Evaluating Technology) tiên tiến nhất hiện nay như kiểm soát hàm lượng đường không phá hủy thông qua công nghệ quang phổ cận hồng ngoại, phát hiện những bất thường bên trong rau củ quả mà không cần cắt thử, là công nghệ cảm biến phân loại màu sắc, hình dạng và trọng lượng của nông sản qua camera”, ông Park Ki Woo giới thiệu những sản phẩm thế mạnh của doanh nghiệp.

Theo ông Park Ki Woo, GAIA cũng đã và đang thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao trong hệ thống lưu thông, bảo quản, chế biến nông sản, áp dụng đồng loạt đối với tất cả các loại trái cây, rau củ quả. Công nghệ dây chuyền quản lý nông sản sau thu hoạch được thu gom, chế biến và lưu thông thông qua trung tâm chế biến và phân phối nông sản APC tại Hàn Quốc.

Trong những năm qua, GAIA đã và đang đồng hành cùng người nông dân trong việc quản lý chế biến một cách có hệ thống, nâng cao giá trị, chất lượng nông sản và đẩy mạnh việc lưu thông trong và ngoài nước. Ông Park Ki Woo bày tỏ mong muốn với những giải pháp công nghệ tối ưu, sẽ giúp người nông dân, nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản tại Việt Nam tháo gỡ những khó khăn hiện nay trong việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe trong xuất khẩu nông sản sang các thị trường quốc tế khó tính như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật bản, Trung Quốc…

Tại hội nghị, 30 doanh nghiệp Việt Nam và 17 doanh nghiệp nước ngoài đã trực tiếp tiếp cận, giao thương với nhau nhằm tìm kiếm đối tác đáp ứng nhu cầu mua, bán của mỗi bên.