ITS - “chìa khóa” vận hành an toàn, hiệu quả các tuyến cao tốc

NDO - Hệ thống quản lý, vận hành giao thông thông minh (ITS) được xác định là “chìa khóa” để phát huy hiệu quả trong quản lý, vận hành, khai thác các tuyến đường cao tốc, đồng thời nâng cao năng lực thông hành, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường cũng như trui rèn ý thức tuân thủ quy định pháp luật khi tham gia giao thông của chủ phương tiện.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống ITS với phân hệ chính là camera giám sát, phát hiện xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, góp phần cảnh báo, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giảm tai nạn, giảm ùn tắc giao thông.
Hệ thống ITS với phân hệ chính là camera giám sát, phát hiện xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, góp phần cảnh báo, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giảm tai nạn, giảm ùn tắc giao thông.

Trong thời gian tới, khi hàng nghìn km đường cao tốc được đưa vào khai thác, là thời cơ “chín muồi” để nước ta đầu tư hệ thống ITS hiện đại, đồng bộ nhằm bảo đảm sự kết nối đồng bộ trong quản lý, khai thác và vận hành.

Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn Cục trưởng Đường cao tốc Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) Lâm Văn Hoàng chung quanh vấn đề này.

ITS - “chìa khóa” vận hành an toàn, hiệu quả các tuyến cao tốc ảnh 1

Ông Lâm Văn Hoàng, Cục trưởng Đường cao tốc Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải)

PV: Thưa ông Lâm Văn Hoàng, ông có thể đánh giá khái quát lợi ích của việc ứng dụng ITS đối với ngành giao thông vận tải?

Ông Lâm Văn Hoàng: Giao thông thông minh (ITS - lntelligent Transport System) là hệ thống được ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, gồm các thiết bị như cảm biến, điện tử, tin học, viễn thông để điều khiển, điều hành và quản lý các hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải tối ưu nhất, nâng cao năng lực thông hành, giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông, giảm tiêu hao nhiên liệu,… qua đó giúp hoạt động vận tải hiệu quả hơn.

Về cơ bản, ITS sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin và viễn thông để liên kết giữa con người, hệ thống đường giao thông và phương tiện lưu thông trên đường thành một mạng lưới thông tin-viễn thông, phục vụ cho việc quản lý, vận hành, khai thác và lưu thông được tối ưu nhất trên các tuyến đường bộ cao tốc. Mục tiêu cao nhất của hệ thống ITS là tự động hóa điều hành giao thông.

Ngoài ra, ITS cũng có chức năng quản lý thông tin giao thông; quản lý kết cấu hạ tầng công trình giao thông; quản lý thanh toán điện tử giao thông; quản lý và kiểm soát giao thông; quản lý, tự động phát hiện sự cố giao thông và kịp thời ứng cứu sự cố trên đường bộ cao tốc…; giúp ngăn ngừa, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, góp phần xây dựng một xã hội an toàn, văn minh, hiện đại và phát triển.

ITS - “chìa khóa” vận hành an toàn, hiệu quả các tuyến cao tốc ảnh 2
Trung tâm điều hành đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

PV: Thực tế hiện nay, ở nước ta mới chỉ có 9/35 tuyến cao tốc được đầu tư lắp đặt hệ thống ITS. Xin ông cho biết lộ trình đầu tư ITS và các Trung tâm quản lý điều hành giao thông trên dọc tuyến cao tốc này sẽ như thế nào?

Ông Lâm Văn Hoàng: Theo quy hoạch, mạng đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 41 tuyến với tổng chiều dài hơn 9.000km. Đến nay, cả nước đã có 35 tuyến, đoạn tuyến cao tốc được đưa vào khai thác, vận hành với tổng chiều dài hơn 2.000km. Theo dự kiến, đến năm 2025, cả nước sẽ có 3.000km và năm 2030 đạt 5.000km đường cao tốc. Như vậy, ITS là một bộ phận không thể tách rời của công trình đường cao tốc, có vai trò quan trọng không kém so với các hạng mục xây dựng khác của tuyến đường. Vì thế, ITS sẽ được nghiên cứu đầu tư đồng bộ phục vụ cho quản lý, vận hành, khai thác các tuyến cao tốc.

Xác định được tầm quan trọng đó, Bộ Giao thông vận tải đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 30/6/2020 phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ” và Quyết định số 877/QĐ-TTg ngày 27/2/2022 “Xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn bộ các tuyến đường cao tốc đều triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh; hình thành các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc Trung ương và địa phương có nhu cầu.

PV: Như vậy, Bộ Giao thông vận tải xác định nhiệm vụ đặt ra đối với mình như thế nào để đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, thưa ông?

Ông Lâm Văn Hoàng: Triển khai yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã giao đơn vị chức năng xây dựng Đề án “Định hướng trong đầu tư, vận hành khai thác hệ thống ITS và kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ cao tốc”. Đề án xác định lộ trình nghiên cứu, đề xuất mô hình tổng thể quản lý, vận hành khai thác và bảo trì hệ thống giao thông thông minh cho các tuyến đường cao tốc (hệ thống quản lý và điều hành giao thông, hệ thống thu phí điện tử không dừng ETC, hệ thống kiểm tra tải trọng xe,…).

Đồng thời, Đề án cũng đề xuất lộ trình triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện nước ta, bảo đảm khai thác hiệu quả đường cao tốc; đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng các tiêu chuẩn về ITS; xây dựng kiến trúc ITS quốc gia; định hướng phương án đầu tư, quản lý khai thác Trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện. Hiện nay, Đề án này đã được Bộ chấp thuận triển khai.

ITS - “chìa khóa” vận hành an toàn, hiệu quả các tuyến cao tốc ảnh 4

Đường cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo được đầu tư hệ thống ITS đồng bộ.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 06/2024/TT-BGTVT ngày 31/3/2024 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đường cao tốc, có hiệu lực từ ngày 1/10/2024. Quy chuẩn kỹ thuật quy định các công trình gắn với đường bộ cao tốc gồm: “Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến; Hệ thống thu phí điện tử không dừng đối với tuyến đường có thu phí; Trạm kiểm tra tải trọng xe”, đây là các hệ thống thành phần của hệ thống ITS, các công trình này cần được đầu tư đồng bộ, thống nhất bảo đảm phục vụ quản lý, vận hành khai thác tuyến.

Các Trung tâm điều hành giao thông tuyến được xây dựng theo phương án ghép các tuyến ngắn liền kề, trung bình từ 70 đến 100km sẽ có 1 Trung tâm. Các Trung tâm sử dụng phần mềm dùng chung, gồm phần mềm lõi đã tích hợp phân hệ quản lý giao thông khác để đồng bộ; có hệ thống kết nối dữ liệu dùng chung nhằm trao đổi thông tin, tương tác giữa các tuyến. Việc Nhà nước đưa vào khai thác và đang đầu tư hàng nghìn km đường cao tốc, đồng thời vận hành các Trung tâm, trang thiết bị thuộc hệ thống ITS trên đường cao tốc, có thể khẳng định Việt Nam đã bước đầu làm chủ về công nghệ, công tác thiết kế, xây dựng và lắp đặt hệ thống ITS trên đường cao tốc".

ITS - “chìa khóa” vận hành an toàn, hiệu quả các tuyến cao tốc ảnh 5

Ông Lâm Văn Hoàng, Cục trưởng Đường cao tốc Việt Nam.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống ITS và Trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến đối với các dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông; dự án đang chuẩn bị đầu tư và dự án đang vận hành bảo đảm khai thác đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, Bộ cũng đề nghị các địa phương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo cơ quan chuyên môn về xây dựng, chủ đầu tư, tư vấn rà soát, nghiên cứu triển khai đầu tư xây dựng hệ thống ITS và Trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến đáp ứng yêu cầu khai thác đối với các dự án đường bộ cao tốc được giao làm cơ quan chủ quản. Các dự án chuẩn bị đầu tư xây dựng mới, chủ đầu tư sẽ triển khai đầu tư xây dựng, lắp đặt ITS hoàn thành đồng bộ với các hạng mục xây dựng nền, mặt đường, an toàn giao thông khi đưa vào khai thác, sử dụng.

PV: Xin ông cho biết, hệ thống ITS mới sẽ khác biệt thế nào so với các tuyến cao tốc đã đầu tư, vận hành trước đó?

Ông Lâm Văn Hoàng: Thời gian qua, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã chỉ đạo rốt ráo Cục Đường cao tốc Việt Nam, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức các đoàn công tác làm việc tại các nước châu Âu và các nước trong khu vực để tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình hệ thống, công nghệ kỹ thuật, thiết bị và kinh nghiệm trong đầu tư, xây dựng quản lý, vận hành, khai thác hệ thống ITS. Qua đó, Bộ quyết liệt yêu cầu các đơn vị trong quá trình triển khai phải đầu tư hệ thống trang thiết bị bảo đảm hiện đại, áp dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới, đồng bộ về hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ AI vào hệ thống ITS để tự động thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu,…trong quản lý vận hành, khai thác các tuyến đường cao tốc.

Các Trung tâm điều hành giao thông tuyến được xây dựng theo phương án ghép các tuyến ngắn liền kề, trung bình từ 70 đến 100km sẽ có 1 Trung tâm quản lý, điều hành giao thông điều hành, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý khai thác. Các Trung tâm sử dụng phần mềm dùng chung, gồm phần mềm lõi đã tích hợp phân hệ quản lý giao thông khác để đồng bộ; có hệ thống kết nối dữ liệu dùng chung nhằm trao đổi thông tin, tương tác giữa các tuyến. Trước mắt, khi chưa có Trung tâm điều hành giao thông giao thông quốc gia, sẽ lựa chọn một trung tâm tuyến có năng lực để kết nối, liên thông chia sẻ thông tin giữa các tuyến đường còn lại.

ITS - “chìa khóa” vận hành an toàn, hiệu quả các tuyến cao tốc ảnh 7

Trung tâm Điều hành đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

Có thể khẳng định, việc Nhà nước đưa vào khai thác và đang đầu tư hàng nghìn km đường cao tốc, trong đó đưa vào vận hành, khai thác các Trung tâm, quản lý điều hành giao thông tuyến, trang thiết bị thuộc hệ thống ITS trên đường cao tốc; đến nay, Việt Nam đã bước đầu làm chủ về công nghệ, công tác thiết kế, xây dựng và lắp đặt hệ thống ITS trên đường cao tốc. Đây sẽ là thời điểm “chín muồi” để hình thành hệ thống giao thông bài bản nhằm quản lý, vận hành và khai thác hiệu quả.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.