Israel tiến hành chiến dịch quân sự vào Rafah

Theo Reuters, quân đội Israel ngày 7/5 thông báo đã nắm quyền kiểm soát cửa khẩu Rafah ở miền nam Dải Gaza, giáp biên giới Ai Cập và cho biết các lực lượng đặc biệt đang rà soát khu vực này.
0:00 / 0:00
0:00
Xe tăng quân đội Israel tiến vào Gaza qua cửa khẩu Rafah. (Ảnh: THX/TTXVN)
Xe tăng quân đội Israel tiến vào Gaza qua cửa khẩu Rafah. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trước đó, trong tuyên bố trên mạng xã hội X, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) xác nhận, quân đội nước này đã tấn công các mục tiêu ở phía đông thành phố Rafah. Truyền thông Ai Cập cũng đưa tin, các xe tăng của Israel tiến vào Rafah tối 6/5 (giờ địa phương) với sự yểm trợ từ hoạt động không kích dữ dội.

Trong tuyên bố, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nêu rõ, nội các thời chiến quyết định tiến hành chiến dịch ở Rafah để gây áp lực với phong trào Hamas về việc thả con tin, cũng như các mục tiêu khác.

Hối thúc ngừng bắn

Israel tiến hành chiến dịch quân sự vào Rafah trong khi phong trào Hamas được cho là đã đồng ý ngừng bắn ở Gaza. Ngày 6/5, thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh điện đàm với Thủ tướng Qatar và Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Ai Cập để thông báo về việc Hamas chấp thuận đề xuất ngừng bắn của các nhà hòa giải hai nước này. Quyết định của Hamas được đưa ra sau nhiều nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn leo thang xung đột ở Gaza.

Theo Văn phòng Thủ tướng Israel, nước này sẽ cử một phái đoàn đến gặp các nhà hòa giải để thảo luận về đề xuất ngừng bắn mà Hamas đã đồng ý, với một số nội dung khác với yêu cầu của Israel. Giới chức cấp cao Israel cho rằng, đề xuất ngừng bắn không có ý kiến từ phía Israel là không thể chấp nhận được.

Theo hãng thông tấn WAFA, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hoan nghênh nỗ lực của Ai Cập và Qatar nhằm đạt thỏa thuận ngừng bắn. Cảnh báo về hậu quả khi Israel tiến hành chiến dịch quy mô lớn vào Rafah, ông Abbas kêu gọi Mỹ có động thái can thiệp. Theo lãnh đạo Palestine, hòa bình và an ninh khu vực khó có thể đạt được nếu không có giải pháp công bằng cho vấn đề Palestine.

Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit cũng bày tỏ quan ngại về chiến dịch quân sự của Israel bất chấp việc Hamas chấp thuận đề nghị ngừng bắn. Ông Aboul-Gheit kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thực thi trách nhiệm và kiềm chế căng thẳng leo thang ở Gaza.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi kêu gọi các bên nỗ lực hơn nữa để đạt thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt thảm kịch nhân đạo mà người dân Palestine phải gánh chịu và hoàn tất việc trao đổi con tin, tù nhân. Tổng thống El-Sisi khẳng định tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến liên quan tiến trình đàm phán nhằm đạt được lệnh ngừng bắn hoàn toàn ở Gaza.

Cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi Israel và Hamas nỗ lực hơn nữa nhằm đạt thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt nỗi khổ của người dân ở Gaza. Bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Israel tiến hành chiến dịch quân sự trên bộ quy mô lớn vào Rafah, ông Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ tính mạng của người dân ở đây.

Theo Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA), chiến dịch quân sự tại Rafah có thể gây tổn thất tính mạng, tài sản, cũng như để lại hậu quả nặng nề đối với khoảng 1,4 triệu người ở thành phố này. UNRWA khẳng định duy trì hoạt động ở Rafah và tiếp tục cung ứng viện trợ thiết yếu cho người dân.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo về nguy cơ thảm họa đối với khoảng 600 nghìn trẻ em ở Rafah khi Israel triển khai chiến dịch quân sự trên bộ. Theo UNICEF, chiến dịch của Israel có thể gây tổn thất ở mức cao đối với dân thường, tiếp tục hủy hoại các công trình hạ tầng và dịch vụ thiết yếu còn lại ở Rafah.

Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk cảnh báo về mức độ tổn thất gia tăng sau khi Israel ra lệnh sơ tán người dân khỏi thành phố Rafah. Theo ông Turk, việc buộc hàng trăm nghìn người rời Rafah tới các khu vực khác vốn đã bị phá hủy, không có nơi cư trú và không tiếp cận được hỗ trợ nhân đạo là điều không chấp nhận được.

Biểu tình phản đối xung đột

Đại học Columbia ở thành phố New York (Mỹ) ngày 6/5 thông báo hủy lễ tốt nghiệp chính, dự kiến ngày 15/5 tới, thay vào đó chỉ tổ chức những buổi lễ quy mô nhỏ tại các chi nhánh. Quyết định được đưa ra do quan ngại về an ninh, trong bối cảnh nhiều sinh viên biểu tình tại khuôn viên trường trong nhiều tuần qua, thể hiện sự ủng hộ với người dân Palestine trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Dải Gaza. Tình trạng biểu tình đôi khi kéo theo ẩu đả khiến nhiều trường đại học ở Mỹ hủy bỏ, thay đổi kế hoạch, hoặc địa điểm tổ chức lễ tốt nghiệp.

Biểu tình của sinh viên liên quan giao tranh ở Gaza đã lan rộng khắp nước Mỹ những tuần qua. Sinh viên tập hợp, dựng lều trại tại các cơ sở giáo dục ở Mỹ, kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden làm nhiều hơn để ngăn chặn đổ máu ở Gaza, đồng thời yêu cầu các trường học thoái vốn khỏi các công ty hỗ trợ Chính phủ Israel. Nhiều trường học phải liên hệ cảnh sát để dập tắt biểu tình.

Tại Pháp, cảnh sát Paris tuần trước cũng phải can thiệp hoạt động biểu tình tại Trường đại học Sciences Po, khi một số nhà hoạt động sinh viên chiếm giữ các tòa nhà của trường để phản đối cuộc xung đột tại Gaza. Văn phòng Thủ tướng Pháp cho biết, sinh viên biểu tình đã được sơ tán khỏi hàng chục cơ sở giáo dục đại học trên khắp nước.

Tại Australia, sinh viên biểu tình cũng yêu cầu Đại học Sydney thoái vốn khỏi các công ty có quan hệ với Israel. Các lều trại của sinh viên cũng xuất hiện tại các trường đại học ở Melbourne, Canberra và các thành phố khác.

Trong khi đó, tại Canada, hàng trăm sinh viên và giảng viên đã dựng trại tại Đại học Toronto, trong bối cảnh làn sóng biểu tình ủng hộ người Palestine tại các trường đại học Bắc Mỹ tiếp tục lan rộng.