Lên án thảm họa nhân đạo tại Gaza, Thổ Nhĩ Kỳ ngừng giao thương với Israel

Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ tất cả các giao dịch hàng hóa liên quan đến Israel đã bị dừng cho đến khi Israel tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nguồn viện trợ nhân đạo đầy đủ, không gián đoạn tới Gaza.
0:00 / 0:00
0:00
Các em nhỏ thu nhặt đồ đạc sót lại trong đống đổ nát của ngôi nhà bị phá hủy sau cuộc tấn công của Israel vào thành phố Rafah, Dải Gaza ngày 1/5/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Các em nhỏ thu nhặt đồ đạc sót lại trong đống đổ nát của ngôi nhà bị phá hủy sau cuộc tấn công của Israel vào thành phố Rafah, Dải Gaza ngày 1/5/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này đã ngừng tất cả các hoạt động giao thương với Israel kể từ ngày 2/5, do "thảm kịch nhân đạo ngày càng trở nên tồi tệ" tại các vùng lãnh thổ của Palestine.

Trong một tuyên bố ngày 2/5, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ: "Tất cả các giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa liên quan đến Israel đã bị dừng. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện nghiêm túc và dứt khoát biện pháp mới này cho đến khi Chính phủ Israel tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nguồn viện trợ nhân đạo đầy đủ và không bị gián đoạn tới Dải Gaza".

Theo dữ liệu chính thức, trao đổi thương mại giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận mức 6,8 tỷ USD trong năm 2023.

Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp đặt các hạn chế thương mại đối với Israel, với hai lý do. Thứ nhất, Israel từ chối cho phép Ankara tham gia các hoạt động thả dù hàng viện trợ xuống Gaza. Thứ hai, quân đội Israel ngày càng leo thang các hoạt động quân sự ở Gaza.

Phản ứng trước quyết định mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Israel, ông Israel Katz, cùng ngày nói rằng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã vi phạm các thỏa thuận bằng cách chặn các hoạt động xuất nhập hàng hóa với Israel.

Trong một tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội X, ông Katz nhấn mạnh: "Đây là cách hành xử... xem thường lợi ích của người dân và doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như phớt lờ các hiệp định thương mại quốc tế".

Ông Katz cho biết, ông đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao Israel nỗ lực tìm kiếm giải pháp thay thế cũng như chú trọng hoạt động sản xuất trong nước và tìm nguồn hàng nhập khẩu từ các nước khác.