Iran ký thỏa thuận Đối tác chiến lược toàn diện với Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký thông qua đề xuất của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan khác của nước này về việc ký kết thỏa thuận Đối tác chiến lược toàn diện với Iran. Việc hai bên ký thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế-thương mại song phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng chung và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời giúp giảm bớt áp lực các lệnh trừng phạt đối với cả hai nước.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp người đồng cấp Iran Masoud Pezeshkian bên lề diễn đàn văn hóa kỷ niệm 300 năm ngày sinh của nhà thơ, triết gia người Turkmenistan Magtymguly Fragi, tại Ashgabat, Turkmenistan, ngày 11/10/2024. (Ảnh: REUTERS)
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp người đồng cấp Iran Masoud Pezeshkian bên lề diễn đàn văn hóa kỷ niệm 300 năm ngày sinh của nhà thơ, triết gia người Turkmenistan Magtymguly Fragi, tại Ashgabat, Turkmenistan, ngày 11/10/2024. (Ảnh: REUTERS)

Tổng thống Putin cho phép Bộ Ngoại giao Nga tiến hành những sửa đổi không mang tính nguyên tắc trong quá trình đàm phán ký kết thỏa thuận Đối tác chiến lược toàn diện với Iran, đồng thời khẳng định việc ký thỏa thuận ở cấp cao nhất là phù hợp. Hồi đầu tháng 9, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov thông báo hai bên đã gần như hoàn tất các công tác chuẩn bị để ký thỏa thuận này.

Phát biểu trong cuộc gặp Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergey Shoigu tại thủ đô Tehran vào trung tuần tháng 9 vừa qua, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian nhấn mạnh, quan hệ giữa nước này và Nga sẽ được phát triển trên cơ sở liên tục, không ngừng nghỉ và lâu dài, đồng thời khẳng định chính phủ mới của Iran sẽ thực hiện các bước đi nhằm tăng cường hợp tác với Nga. Nhà lãnh đạo Iran khẳng định, việc tăng cường và củng cố hợp tác song phương là yếu tố giúp giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt đối với hai nước.

Cũng trong cuộc họp tại Tehran, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Iran Abdolnaser Hemmati và Cố vấn cấp cao của Tổng thống Nga, ông Igor Levitin đã thảo luận về hợp tác kinh tế song phương. Hai bên nêu bật sự cần thiết phải hoàn thành kế hoạch triển khai tuyến đường vận tải nối khu vực Nam Á với Bắc Âu, được gọi là “Hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam” (INSTC). Bộ trưởng Hemmati nhận định, tiến độ triển khai nhanh chóng tuyến đường vận tải này sẽ góp phần tăng cường hợp tác giữa Iran, Nga, Ấn Độ và các quốc gia Arab trong khu vực.

Hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam là mạng lưới đa phương thức dài 7.200km gồm các tuyến đường thủy, đường sắt và đường bộ để vận chuyển hàng hóa giữa Ấn Độ, Iran, Azerbaijan, Nga, Trung Á và châu Âu. Phía Iran kỳ vọng Moskva sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho siêu dự án này.

Bộ trưởng Hemmati cho biết, Chính phủ Iran ủng hộ các khoản đầu tư vào INSTC, sẵn sàng tạo điều kiện cho các quốc gia khác tham gia dự án thông qua chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt. Ông hy vọng dòng vốn đầu tư của Nga vào Iran, nhất là trong các dự án dầu mỏ, cơ sở hạ tầng và vận tải của Iran, sẽ tăng lên.

Trong khi đó, ông Levitin thông báo, Tổng thống Putin đã phân bổ ngân sách cho dự án xây dựng tuyến đường sắt ở miền bắc Iran, vốn sẽ trở thành một phần của INSTC sau khi hoàn thiện. Quan chức Nga ước tính 15 triệu tấn sản phẩm có thể được vận chuyển qua tuyến đường sắt này và công suất có thể tăng lên đến 50 triệu tấn. Theo ông Levitin, Tổng thống Putin đã ban hành chỉ thị đặc biệt để nhanh chóng triển khai INSTC.

Bất chấp các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt, Chính phủ mới của Iran có kế hoạch thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ để thúc đẩy các chiến lược phát triển kinh tế, với mục tiêu tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm, cũng như giảm mạnh tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp hiện đang ở mức hai chữ số.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã công bố các kế hoạch thu hút đầu tư lớn, theo đó Iran cần khoảng 100 tỷ USD đầu tư nước ngoài để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%/năm, từ mức 4% hiện nay. Ông Pezeshkian cho biết, Iran cần tới 250 tỷ USD để đạt được mục tiêu của mình nhưng hơn một nửa trong số này có sẵn từ các nguồn lực trong nước.

Theo ông Pezeshkian, việc mở rộng hợp tác kinh tế với thế giới bên ngoài là một trong những kế hoạch của Chính phủ Iran nhằm kiểm soát lạm phát, hiện ở mức 40%. Tuy vậy, mục tiêu giảm lạm phát xuống 30% vào cuối năm 2024 phụ thuộc một phần vào những diễn biến trong nước và quốc tế.

Trong bối cảnh nền kinh tế Iran phải đối mặt khó khăn chồng chất kể từ năm 2018, thời điểm Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp đặt thêm các lệnh trừng phạt chống Tehran, Chính phủ Iran tìm cách cải thiện quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực và thúc đẩy quan hệ với các nước đối tác quan trọng.

Iran đang trong quá trình đàm phán để ký kết các thỏa thuận hợp tác với khoảng 40 quốc gia và việc đẩy mạnh hợp tác với Nga là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Iran nhằm giúp phá vỡ thế bị cô lập mà phương Tây thiết lập chống quốc gia Hồi giáo này.