Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng tại VietinBank và BIDV ngày 19/9 đã giảm từ 3,8% xuống 3,5%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 4,7% xuống 4,5%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cũng giảm từ 5,8%/năm xuống còn 5,5%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất tại 2 ngân hàng trên.
Trong khi đó, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng vẫn được giữ nguyên lần lượt ở mức 0,1%/năm và 3%/năm.
Như vậy, lãi suất huy động tại VietinBank và BIDV đã về mức tương đương với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa được điều chỉnh từ ngày 14/9.
Không riêng 4 ngân hàng lớn, qua khảo sát, nhiều ngân hàng thương mại tuần qua cũng đã thông báo giảm lãi suất huy động, đặc biệt đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá mặt bằng lãi suất huy động hiện tại đã tiến sát mức thấp trong giai đoạn đại dịch Covid-19. BVSC nhận định, động thái này sẽ khiến lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại khác sẽ tiếp tục có diễn biến giảm, từ đó đưa mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống, thúc đẩy tín dụng trong các tháng cuối năm.
Ở kỳ hạn 1 tháng, hiện 4 ngân hàng thương mại nhà nước đang có lãi suất huy động thấp nhất ở 3%/năm.
Với kỳ hạn 6 tháng, hiện chỉ còn 5 ngân hàng duy trì mức lãi suất trên 6%/năm là Ngân hàng Bảo Việt (6,1%/năm), Ngân hàng Đông Á và Ngân hàng Xây dựng (6,2%/năm), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài gòn (SCB) và Ngân hàng Quốc dân (NCB) (6,3%/năm).
Ở kỳ hạn 12 tháng, cũng chỉ còn 8/32 ngân hàng duy trì mức lãi suất huy động trên 6%/năm. Trong khi đó, ở kỳ hạn 24 tháng, mức lãi suất huy động trên 6%/năm hiện vẫn đang chiếm quá bán.
Dưới đây là mức lãi suất được tổng hợp từ website của 32 ngân hàng (áp dụng với khách hàng cá nhân, cho khoản tiền dưới 1 tỷ đồng gửi tại quầy, trả lãi cuối kỳ).