Indonesia lên kế hoạch chuyển bộ máy nhà nước tới thủ đô mới

Bộ trưởng Bộ máy nhà nước và Cải cách hành chính Indonesia Abdullah Azwar Anas cho biết chính phủ nước này đang chuẩn bị 4 kịch bản để chuyển bộ máy nhà nước đến thủ đô mới (IKN) Nusantara ở tỉnh Đông Kalimantan.
0:00 / 0:00
0:00
Buổi lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh Indonesia tại thủ đô Nusantara. (Ảnh: Antara)
Buổi lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh Indonesia tại thủ đô Nusantara. (Ảnh: Antara)

Ngày 19/10, phát biểu tại Phủ Tổng thống ở Jakarta, ông Anas cho hay: “Có 4 kịch bản vì các dịch vụ công liên quan đến hoạt động kinh doanh có thể vẫn ở Jakarta, song chức năng hỗ trợ chính sách sẽ ở IKN Nusantara”.

Theo kế hoạch di dời thủ đô, 2.000 công chức, viên chức nhà nước dự kiến sẽ được chuyển đến IKN Nusantara trong giai đoạn đầu, 5.700 người trong giai đoạn hai, 60.000 người trong giai đoạn ba, và 100.000 người trong giai đoạn bốn.

Quá trình di chuyển này sẽ bắt đầu vào năm 2024 sau khi xem xét số lượng người cần chuyển và tiến độ phát triển hệ thống hỗ trợ tại IKN như quy hoạch không gian, văn phòng và các ưu tiên trong các công việc của chính phủ.

Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị chuyển đổi toàn diện IKN, bao gồm việc sắp xếp công việc của bộ máy nhà nước. Theo Bộ trưởng Anas, một trong những nội dung chuyển đổi là cắt giảm hệ thống biên chế.

Ông Anas nhấn mạnh rằng chính phủ muốn các cơ quan nhà nước chuyển đến IKN với tâm lý sẵn sàng, không bị gò ép. Chính phủ đang xây dựng cơ sở hạ tầng và các cơ sở hỗ trợ tại IKN trước khi chuyển công chức, viên chức.

Theo ông Anas, các cơ sở hỗ trợ về giáo dục, y tế và môi trường là một phần không thể tách rời. Các hình thức hỗ trợ về cơ sở hạ tầng của chính phủ gồm trường học từ mẫu giáo đến cao đẳng, cũng như các cơ sở công cộng như bệnh viện, nơi thờ tự và các cơ sở xã hội.

Chính phủ Indonesia lần đầu tiên công bố kế hoạch chuyển thủ đô khỏi đảo Java đông dân nhất thế giới vào tháng 4/2019. Vài tháng sau đó, Tổng thống Joko Widodo công bố 2 huyện Bắc Penajam Paser và Kutai Kertanegara thuộc tỉnh Đông Kalimantan được lựa chọn là địa điểm đặt thủ đô mới.

Nusantara sẽ đóng vai trò là trung tâm hành chính của Indonesia, trong khi Jakarta - thủ đô hiện tại và là nơi sinh sống của hơn 10 triệu dân, sẽ vẫn là trung tâm kinh tế và tài chính.

Nusantara sẽ được quản lý như một khu tự trị trên cơ sở Hiến pháp. Người đứng đầu chính quyền thủ đô mới sẽ mang hàm bộ trưởng nội các.

Ngoài ra, Nusantara cũng sẽ được trao các quyền hạn rộng rãi để thực thi các nhiệm vụ, đồng thời linh hoạt trong việc quản lý địa phương mà không có sự can thiệp hoặc xung đột với các bộ hoặc cơ quan chính phủ, cũng như các quy định khác.