Ngày 17/8, Indonesia đã lần đầu tiên kỷ niệm Ngày Quốc khánh tại thủ đô mới Nusantara.
Nằm cách thủ đô Jakarta khoảng 2.000km, Nusantara đang được xây dựng để trở thành trung tâm chính trị mới của quốc gia rộng lớn thứ tư thế giới này.
Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu sẽ hoàn tất các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, để có thể mở cửa thủ đô mới vào thời điểm Tổng thống Joko Widodo rời nhiệm sở năm 2024.
Người đứng đầu Chính quyền thành phố thủ đô mới của Indonesia - ông Bambang Susantono cho biết: "Điểm nhấn của sự kiện này là vận dụng tinh thần của ngày lễ Quốc khánh lần thứ 77 để củng cố quyết tâm và tinh thần của chúng tôi trong việc xây dựng thủ đô mới".
Theo ông Bambang Susantono, Nusantara với diện tích khoảng 56.180ha, sẽ là nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người vào năm 2045.
Quá trình phát triển thủ đô mới sẽ được thực hiện trong 3 giai đoạn chính 2024, 2035 và 2045. Vào năm 2045, Nusantara sẽ là vùng kinh tế có khả năng thúc đẩy Indonesia trở thành một quốc gia phát triển.
Chính phủ Indonesia lần đầu tiên công bố kế hoạch chuyển thủ đô khỏi đảo Java đông dân nhất thế giới vào tháng 4/2019.
Vài tháng sau đó, Tổng thống Joko Widodo công bố 2 huyện Bắc Penajam Paser và Kutai Kertanegara thuộc tỉnh Đông Kalimantan được lựa chọn là địa điểm đặt thủ đô mới.
Nusantara sẽ đóng vai trò là trung tâm hành chính của Indonesia, trong khi Jakarta - thủ đô hiện tại và là nơi sinh sống của hơn 10 triệu dân, sẽ vẫn là trung tâm kinh tế và tài chính.
Nusantara sẽ được quản lý như một khu tự trị trên cơ sở Hiến pháp. Người đứng đầu chính quyền thủ đô mới sẽ mang hàm bộ trưởng nội các.
Ngoài ra, Nusantara cũng sẽ được trao các quyền hạn rộng rãi để thực thi các nhiệm vụ, đồng thời linh hoạt trong việc quản lý địa phương mà không có sự can thiệp hoặc xung đột từ các bộ hoặc cơ quan chính phủ, cũng như các quy định khác.