Phát biểu họp báo tại Phủ Tổng thống, Bộ trưởng Indrawiti cho biết, khoản phân bổ ngân sách nói trên sẽ được dùng để xây dựng các cơ sở hạ tầng cơ bản như tuyến đường bộ kết nối IKN, và trụ sở của Bộ Giao thông-Vận tải. Ngoài ra, khoản chi này sẽ được sử dụng để xây dựng một số nút kết nối, các cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, quốc phòng và an ninh.
Các khoản chi dành cho IKN nói trên thuộc gói ngân sách cơ sở hạ tầng với tổng mức đầu tư lên tới 367.000-402.000 tỷ Rupiah vào năm tới. Ngoài IKN, ngân sách cơ sở hạ tầng cũng sẽ được sử dụng cho các chương trình quan trọng khác như nhà ở, nước sạch, xử lý nước thải, xây dựng đường ống dẫn khí đốt Cirebon-Semarang, mạng lưới thủy lợi và các cơ sở hạ tầng kết nối như đường sá, cầu cống, đường sắt, sân bay đến các cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực công nghệ thông tin như vệ tinh, trạm phát sóng BTS.
Tổng thống Joko Widodo đặt mục tiêu chuyển trụ sở chính quyền trung ương tới IKN trước khi kết thúc nhiệm kỳ cuối cùng của mình vào năm 2024. Tháng 1/2022, Quốc hội Indonesia đã thông qua Luật IKN, tạo cơ sở pháp lý để khởi động đại dự án trị giá gần 33 tỷ USD này, trong đó 1/5 vốn đến từ ngân sách nhà nước và phần còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào khu vực tư nhân.