Người phát ngôn Bộ Y tế Muhammad Syahril cho biết, tính đến ngày 18/10, nước này đã ghi nhận 206 ca tổn thương thận cấp tính, trong đó 99 trường hợp đã tử vong.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm quốc gia Indonesia (BPOM) thông báo, đang điều tra khả năng các thành phần diethylene glycol và ethylene glycol trong siro ho tạo ra độc tố trong các nguyên liệu khác được sử dụng làm dung môi trong loại thuốc này.
Theo Reuters, bộ trên đã yêu cầu các bệnh viện và cơ sở y tế trong nước thu hồi số thuốc đã được dùng được cho là gây ra các ca tử vong để xét nghiệm độc tố, đồng thời ngừng bán loại thuốc siro trị ho chứa paracetamol này đến khi nhận được thông báo mới.
Bộ Y tế Indonesia đã liên hệ với các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phối hợp với Hiệp hội Nhi khoa Indonesia (IDAI) và 1 bệnh viện ở thủ đô Jakarta để thành lập nhóm công tác điều tra vụ việc từ ngày 12/10.
Từ tháng 7 vừa qua, các bác sĩ tại Gambia đã phát hiện một số trẻ em có các triệu chứng suy thận sau khi sử dụng 1 loại siro có thành phần paracetamol được bán tại thị trường trong nước để hạ sốt.
Tháng 9, nhà chức trách Gambia bắt đầu mở cuộc điều tra về vụ việc và xác định tổn thương thận là nguyên nhân dẫn đến 69 trẻ em tử vong.
Nhà chức trách đã chỉ thị tạm dừng kinh doanh tất cả các nhãn hiệu siro trị ho chứa paracetamol và thu hồi những sản phẩm này tại các gia đình và hiệu thuốc.
Ngày 15/10 vừa qua, Indonesia đã cấm sử dụng các thành phần trong siro ho được cho là liên quan 70 trường hợp trẻ em tử vong ở Gambia.
Trước đó, WHO đã thông báo 4 sản phẩm siro trị ho và cảm lạnh của Công ty Dược phẩm Maiden của Ấn Độ, gồm Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip N Cold Syrup, chứa một lượng lớn diethylene glycol và ethylene glycol.
Các chất này có thể khiến người dùng gặp phải các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, đau đầu,... thậm chí dẫn tới tử vong.
WHO dẫn thông tin từ Cơ quan Kiểm soát chất lượng dược phẩm Ấn Độ cho biết, Công ty Maiden chỉ mới cung cấp các sản phẩm trên đến Gambia, song không loại trừ khả năng những loại siro này được cung cấp đến các nước khác theo đường không chính thức. WHO khuyến cáo các nước rà soát và cấm lưu hành những sản phẩm này.