Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 8/3 cho biết, năm ngoái thế giới đã ghi nhận kỷ lục mới về lượng khí thải CO2 trong lĩnh vực năng lượng khi các nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19 và nhu cầu sử dụng than tăng cao.
Kết quả phân tích của IEA cho thấy than đá chiếm hơn 40% trong tổng lượng phát thải CO2 tăng thêm trong năm vừa qua, tương đương 15,3 tỷ tấn. Trong khi đó, phát thải từ khí tự nhiên cũng tăng trở lại và đạt 7,5 tỷ tấn, cao hơn mức năm 2019.
Trung Quốc là nền kinh tế tác động lớn nhất tới sự gia tăng phát thải CO2 năm 2021, chiếm 33% tổng lượng toàn cầu với hơn 11,9 tỷ tấn.
Ấn Độ cũng ghi nhận sự gia tăng khí thải CO2 so với mức năm 2019, chủ yếu là do nhu cầu sử dụng than đá để sản xuất điện tăng cao. Năm ngoái, sản lượng điện than của quốc gia Nam Á tăng 13% so với năm 2020 và đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Ngoài ra, giá khí đốt tăng cao ở châu Âu và Mỹ cũng góp phần vào sự gia tăng phát thải CO2 toàn cầu, bởi nó thúc đẩy việc sử dụng than đá trong sản xuất điện nhằm kiếm lợi nhuận cao hơn.
“Việc chuyển đổi từ khí đốt sang than đá đã khiến lượng khí thải CO2 trong lĩnh vực sản xuất điện trên thế giới tăng hơn 100 triệu tấn, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu, nơi chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt nhất giữa các nhà máy điện khí và điện than”, IEA cho biết.
- IEA: Phát thải khí methane trong lĩnh vực năng lượng cao hơn 70% so với số liệu chính thức
- IEA cảnh báo lượng khí thải CO2 sẽ tăng 5% vì phục hồi kinh tế
- IEA: Cần đẩy mạnh công nghệ năng lượng sạch để đạt phát thải ròng bằng 0
- IEA: Các cam kết đến nay tại COP26 giúp hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,8 độ C
- IEA: Đầu tư năng lượng sạch toàn cầu cần tăng gấp 3 lần đến năm 2030 để đối phó biến đổi khí hậu