Iceland giữ vững vị trí xếp hạng quốc gia hòa bình nhất thế giới

Trong năm 2022, bất chấp chiến tranh, xung đột, tội phạm ở nhiều nơi trên hành tinh, Iceland vẫn đứng vững ở vị trí đầu bảng xếp hạng, vị trí mà nước này đã nắm giữ từ năm 2008.
Một góc thủ đô Reykjavik của Iceland. (Nguồn: Forbes)
Một góc thủ đô Reykjavik của Iceland. (Nguồn: Forbes)

Nhật báo Les Échos (Pháp) dẫn Báo cáo thường niên năm 2022 về Chỉ số Hòa bình toàn cầu (GPI) của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) cho biết, các cuộc xung đột bùng phát trong năm qua đã ảnh hưởng đến kết quả của báo cáo thường niên - được coi là thước đo hòa bình trên quy mô toàn cầu này. Tuy nhiên, Iceland vẫn giữ vững vị trí đầu bảng xếp hạng GPI.

Theo báo cáo trên, trong năm 2022, Iceland là quốc gia hòa bình nhất thế giới. Bất chấp chiến tranh, xung đột, tội phạm ở nhiều nơi trên hành tinh, quốc gia nhỏ bé ở khu vực Bắc Âu này đã đứng vững ở vị trí đầu bảng xếp hạng, vị trí mà nước này đã nắm giữ từ năm 2008.

Sau Iceland, 9 quốc gia trong nhóm 10 nước dẫn đầu bảng xếp hạng GPI 2022 gồm New Zealand, Ireland, Đan Mạch, Áo, Bồ Đào Nha, Slovenia, Cộng hòa Séc, Singapore và Nhật Bản.

Trong số 10 quốc gia này, 7 quốc gia nằm ở châu Âu, theo đó châu lục này được xếp hạng là khu vực yên bình nhất thế giới.

Trong số 163 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng, Pháp đứng thứ 65, sau Oman và ngang bằng với Malawi. Tại châu Á, Việt Nam ở vị trí thứ 44, tăng 6 điểm so với năm 2021.

Trên toàn cầu, chỉ số hòa bình trung bình giảm 0,3% so với năm 2021.

Đứng cuối bảng xếp hạng là Afghanistan, nước đã giữ vị trí này 5 năm qua; tiếp theo là Yemen, Syria, Nga và Nam Sudan. Nga và Ukraine là 2 trong số 5 quốc gia có chỉ số suy giảm lớn nhất, cùng với Guinea, Burkina Faso và Haiti.

Được xây dựng cách đây 15 năm, GPI do IEP công bố hằng năm. Trên trang web của mình, IEP nêu rõ bảng xếp hạng trên được tính toán từ 23 chỉ số định tính và định lượng từ "các nguồn có uy tín cao" như Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc các tổ chức của Liên hợp quốc.

Báo cáo nhằm xác định mức độ hòa bình trong 3 lĩnh vực: an toàn và an ninh của xã hội, quy mô các cuộc xung đột quốc gia và quốc tế đang diễn ra và tình trạng quân sự hóa.