Trong đó, năm 2017 tồn trên 38 triệu đồng, năm 2018 tồn trên 354 triệu đồng, năm 2019 tồn trên 288 triệu đồng, năm 2020 tồn trên 1 tỷ đồng và năm 2021 tồn nhiều nhất với trên 3,5 tỷ đồng.
Ông Lò Văn Hùng, cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, cho biết: Nguyên nhân tồn tiền dịch vụ môi trường rừng tại huyện Điện Biên chủ yếu do chính quyền địa phương chưa điều chỉnh thông tin sai khác trong biểu kèm theo quyết định giao đất giao rừng; chưa cập nhật tên chủ rừng, địa chỉ theo quyết định sát nhập, đổi tên thôn, bản đã được UBND tỉnh ban hành.
Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân, như: diện tích lô rừng nằm trong ranh giới hai tiểu khu; một số chủ rừng chưa mở tài khoản.
Với mong muốn chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đến các chủ rừng kịp thời, đúng hạn, thời gian qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND huyện Điện Biên vào cuộc, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn điều chỉnh thông tin sai khác trong biểu kèm theo quyết định giao đất giao rừng; cập nhật tên, địa chỉ chủ rừng theo quyết định sát nhập, đổi tên thôn, bản đã được UBND tỉnh ban hành để Quỹ có căn cứ ban hành quyết định chi trả nhưng chưa được huyện Điện Biên tiếp nhận, giải quyết. Chính vì thế, tại thời điểm này, Điện Biên là huyện còn tồn tiền dịch vụ môi trường rừng nhiều nhất tỉnh; thời gian tồn kéo dài đã 5 năm.
Việc tồn quỹ dịch vụ môi trường rừng tại huyện Điện Biên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi các chủ rừng đã bỏ công chăm sóc, bảo vệ rừng những năm qua mà còn đồng thời ảnh hưởng các chỉ tiêu khoanh nuôi, bảo vệ rừng tại địa phương này.