(Tiếp theo kỳ trước) (*)

Huy động sức mạnh từ khối đại đoàn kết toàn dân

Bài 3: Lòng dân đồng thuận là yếu tố then chốt
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện chính quyền, Mặt trận Tổ quốc quận Hà Đông lắng nghe nguyện vọng của người dân khi tiến hành di dời Nghĩa trang Tổ dân phố 5, 6 phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô.
Đại diện chính quyền, Mặt trận Tổ quốc quận Hà Đông lắng nghe nguyện vọng của người dân khi tiến hành di dời Nghĩa trang Tổ dân phố 5, 6 phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô.

Qua các phong trào, cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc cho thấy, lòng dân đồng thuận là yếu tố then chốt của mọi nhiệm vụ. Thực tiễn thực hiện các việc lớn, việc khó trong thời gian qua của Mặt trận các cấp thành phố Hà Nội đã khẳng định điều đó.

Huy động sức dân phòng chống dịch Covid-19 là một trong những việc khó chưa từng có tiền lệ của Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội. Thế nhưng thực tế cho thấy, trong hơn hai năm chống dịch, đây là nhiệm vụ được Mặt trận các cấp thành phố thực hiện hiệu quả nhất.

Vận động nhân dân thực hiện những việc khó

Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn thành phố đã triển khai mô hình sáng tạo, huy động sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức, cá nhân như: Mô hình Chợ 0 đồng, Gian hàng 0 đồng, Chuyến xe 0 đồng...

Điển hình, chương trình Đoàn kết chống dịch cung cấp số điện thoại đường dây nóng từ thành phố đến cơ sở để hỗ trợ kịp thời người dân gặp khó khăn; chương trình hỗ trợ người lao động, sinh viên khó khăn do ảnh hưởng của dịch đã giúp đỡ 158.709 người với tổng số tiền trị giá 79,35 tỷ đồng; mô hình hỗ trợ người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội gặp khó khăn do dịch hỗ trợ 714 người; cùng hàng tỷ đồng vận động miễn, giảm tiền thuê nhà cho sinh viên, người lao động ngoại tỉnh trên địa bàn...

Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội đã nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân cho công tác phòng chống dịch Covid-19 với tổng số tiền là 789,146 tỷ đồng và hàng hóa trị giá 683,974 tỷ đồng.

Nhìn lại 5 năm gần đây, hoạt động của Mặt trận các cấp thành phố ghi nhận những “con số biết nói”.

Quỹ Vì người nghèo các cấp thành phố đã vận động được hơn 313 tỷ đồng; thành phố trích hơn 305 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây dựng và sửa chữa 4.347 nhà đại đoàn kết; hỗ trợ 26.352 học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được đi học; hỗ trợ sinh kế cho 7.756 hộ, hỗ trợ khám, chữa bệnh cho 7.140 người nghèo và các hỗ trợ khác trị giá 158,8 tỷ đồng.

Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố xuống còn 0,095%, hộ cận nghèo còn 0,99%. Mặt trận các cấp đã vận động hơn 235 tỷ đồng ủng hộ Quỹ Cứu trợ, kịp thời hỗ trợ nhân dân các tỉnh, gia đình các nạn nhân bị thiệt mạng do hỏa hoạn, thiên tai, sự cố nghiêm trọng trên địa bàn với tổng số tiền trị giá 207,6 tỷ đồng; vận động ủng hộ Quỹ Vì biển, đảo Việt Nam, hỗ trợ xây dựng 8 nhà văn hóa đa năng trên quần đảo Trường Sa với tổng số tiền hơn 314 tỷ đồng.

Gỡ nút thắt tư tưởng trong giải phóng mặt bằng

Giải phóng mặt bằng là một việc khó, phức tạp, dễ nảy sinh những tình huống nhạy cảm, xung đột về lợi ích dẫn đến mâu thuẫn, khiếu kiện, nhất là giải phóng mặt bằng những dự án lớn, liên quan đến hàng nghìn hộ dân như dự án xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô.

Mặt trận các cấp bảy quận, huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai và Thường Tín đã phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng không kể ngày đêm, tuyên truyền, nắm bắt và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Nhờ đó đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Tại huyện Đan Phượng, hơn một nghìn ngôi mộ từ nghĩa trang nhân dân thôn Bồng Lai (xã Hồng Hà) được di dời về nghĩa trang mới diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, giúp bàn giao mặt bằng cho dự án.

Ông Trần Ngọc Chiến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Hồng Hà cho biết, việc di chuyển mồ mả diễn ra thuận lợi, nhanh chóng trước hết là nhờ có sự ủng hộ của bảy hộ dân ở Cụm 4.

Người dân đã chủ động bàn giao 2.602 m2 đất nông nghiệp để thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang nghĩa trang nhân dân xã Hồng Hà làm địa điểm di dời hơn một nghìn ngôi mộ tại nghĩa trang cũ, dù khi đó chưa có phương án bồi thường.

“Ban đầu, một vài hộ cũng còn băn khoăn vì chưa có phương án bồi thường. Để bảo đảm kịp thời việc di dời nghĩa trang Bồng Lai đúng tiến độ, chúng tôi đã vận động các gia đình áp dụng mức giá bồi thường theo phương án thu hồi các loại đất nông nghiệp của Hội đồng nhân dân thành phố. Nếu sau này trong quá trình thực hiện có điều chỉnh chính sách thì các hộ sẽ nhận thêm sau. Phương án này nhanh chóng được các hộ dân chấp thuận”, ông Chiến cho biết.

Tại quận Hà Đông, tuyến đường Vành đai 4 đi qua địa phận phường Yên Nghĩa có chiều dài khoảng 2,5 km; tổng diện tích đất phải thu hồi là 329.667,9 m2 liên quan đến 1.331 hộ dân.

Ngoài ra, còn có 2.250 ngôi mộ nằm trong nghĩa trang nhân dân Tổ dân phố 5, 6 và ngoài nghĩa trang, nhưng trong chỉ giới phải di chuyển. Ông Lê Đức Trung, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Yên Nghĩa chia sẻ, thông qua việc tiếp xúc với nhân dân, phần lớn mọi người đều nhất trí với chủ trương xây dựng tuyến đường Vành đai 4.

Tuy nhiên, vẫn có một vài dòng họ có mộ chi, mộ tổ trong Nghĩa trang Nhân dân Tổ 5, 6 muốn được bố trí diện tích đất lớn hơn so với phương án phường đưa ra.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Hà Đông Trần Sơn Hải cho biết thêm, thực hiện quy chế dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng, quận Hà Đông đã họp bàn nhiều cuộc với 12 dòng họ có mộ tổ, mộ chi nhằm giải quyết một cách thấu đáo các nhu cầu, nguyện vọng của người dân.

“Sau mỗi cuộc họp lắng nghe nguyện vọng của người dân thì đều có sự điều chỉnh phù hợp. Những kiến nghị của người dân đều được ghi nhận, xem xét; ý kiến nào chính đáng, trong khuôn khổ cho phép thì quận tiếp thu, điều chỉnh”, ông Hải cho biết.

(Còn nữa)

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân số ra ngày 12 và 15/12/2023.