Huy động sức mạnh từ khối đại đoàn kết toàn dân

Với tinh thần huy động “sức dân để lo cho dân”, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu, hoàn thành nhiều việc mới, việc khó. Từ đại dịch Covid-19 đến quá trình phục hồi kinh tế và mới đây nhất là công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường vành đai 4- Vùng Thủ đô, vai trò tập hợp nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết của Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố Hà Nội càng được khẳng định.
0:00 / 0:00
0:00
Tiết mục “Vũ điệu kết đoàn” do cán bộ, nhân dân quận Tây Hồ biểu diễn tại Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc thành phố Hà Nội năm 2023. (Ảnh Quang Vinh)
Tiết mục “Vũ điệu kết đoàn” do cán bộ, nhân dân quận Tây Hồ biểu diễn tại Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc thành phố Hà Nội năm 2023. (Ảnh Quang Vinh)

Bài 1: Hiệu triệu tinh thần đoàn kết

Sau 20 năm tổ chức, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành nét đẹp văn hóa tại nhiều địa phương, nhưng hơn thế, từ ngày hội này, tinh thần đoàn kết, chung tay thực hiện nhiệm vụ chung đã được các tầng lớp nhân dân phát huy.

Ðã hơn nửa tháng trôi qua, bà Nguyễn Thị Phượng (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ), một trong 1.000 diễn viên không chuyên trình diễn “Vũ điệu kết đoàn” tại Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc thành phố Hà Nội năm 2023, vẫn còn nguyên cảm xúc phấn khởi, tự hào. “Trong quá trình tập luyện và biểu diễn, chúng tôi cảm nhận được cả tinh thần đoàn kết trong đó” - bà Phượng chia sẻ.

Thể hiện tinh thần đoàn kết toàn dân tộc

Tối 18/11, Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc thành phố Hà Nội được tổ chức tại Không gian văn hóa phố đi bộ Trịnh Công Sơn (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) đã gây ấn tượng với đông đảo nhân dân bằng phần trình diễn “Vũ điệu kết đoàn”-tác phẩm do nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng sáng tác. Ðể chuẩn bị cho tiết mục, trong nhiều ngày, các diễn viên không chuyên đến từ tám phường và khối cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, Ðoàn thanh niên quận Tây Hồ, đã tích cực tập luyện.

Tiết mục “Vũ điệu kết đoàn” của cán bộ, nhân dân quận Tây Hồ không chỉ là điểm nhấn của Ngày hội đại đoàn kết cấp thành phố, mà còn đạt kỷ lục là màn múa có sự tham gia đông nhất của các tầng lớp nhân dân từ trước tới nay, thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.

“Việc được tham gia “Vũ điệu kết đoàn” trên “sân nhà” trong sự kiện đặc biệt của thành phố, khiến cán bộ, đảng viên và nhân dân quận Tây Hồ vô cùng tự hào. Sự kiện này là cầu nối để cấp ủy, chính quyền các cấp gần dân, sát dân và ngày càng hiểu dân hơn, qua đó củng cố tình đoàn kết, sự thống nhất cao trong toàn quận”.

Ông Trần Quang Ðạo, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Tây Hồ

Là phường có 100 người tham gia tiết mục “Vũ điệu kết đoàn”, bà Nguyễn Thục Lương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Nhật Tân cho biết, khi nhận được kế hoạch triển khai tổ chức ngày hội trên địa bàn phường, lãnh đạo phường cũng rất lo lắng.

Tuy nhiên, với tinh thần “trên sân nhà”, ngay từ hôm đầu thông báo nội dung, phường đã hội đủ số lượng người để đảm nhiệm phần dân vũ ở sân khấu chính, thậm chí còn có cả đội hình dự phòng. “Qua việc vận động, huy động cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn tham gia, tôi nhận thấy nếu người dân được truyền đạt nội dung cụ thể, nhận thức đúng thì ai ai cũng vui vẻ, tinh thần đoàn kết trỗi dậy, mọi người nhắc nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, bà Lương nói.

Ấm nghĩa tình “ngày Tết”

Ngày hội Ðại đoàn kết của nhân dân quận Long Biên năm 2023 vui hơn những năm trước, bởi được gắn với sự kiện kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập quận; trong đó, Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc phường Giang Biên diễn ra với đa dạng các hoạt động: Thi đấu các môn bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông, biểu diễn dưỡng sinh, thi nấu ăn bữa cơm đại đoàn kết, thi kéo co, bày gian hàng đẹp, biểu diễn văn nghệ... Tại ngày hội, lãnh đạo quận, phường còn có những phần quà trao cho các gia đình tiêu biểu và hộ còn khó khăn trong khu dân cư.

Tại quận Hai Bà Trưng, các bữa cơm đại đoàn kết đều được các hộ gia đình tự nguyện đóng góp, từ đó càng thắt chặt tình đoàn kết trong nhân dân. 20 năm qua, các địa bàn dân cư trên toàn quận tổ chức được 1.077 lượt Bữa cơm đại đoàn kết, tạo nên điểm nhấn riêng cho ngày hội nơi đây. Với người dân huyện Ứng Hòa, Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc năm nay càng ý nghĩa hơn bởi lãnh đạo huyện và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà Ðại đoàn kết cho ba hộ nghèo trên địa bàn, mức hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà.

Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc là phương thức quan trọng trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; khơi dậy sức mạnh, ý chí, quyết tâm cống hiến vì đất nước của mỗi cá nhân, gia đình. Nhiều năm nay, Ngày hội đã trở nên thường xuyên, quen thuộc, đi vào nền nếp của người dân Thủ đô, bởi nó phù hợp và đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Từ năm 2003 đến 2023, thành phố đã có 89.485 khu dân cư tổ chức Ngày hội Ðại đoàn kết; 78.903 khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội; 4.385 công trình dân sinh được xây dựng trong dịp tổ chức ngày hội, 9.978 nhà Ðại đoàn kết được xây mới, 3.940 nhà Ðại đoàn kết được sửa chữa, 5.878 nhà Ðại đoàn kết được trao tặng dịp ngày hội...

Việc tổ chức Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần khơi dậy, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, điển hình là sự gắn kết tình làng nghĩa xóm; sự đồng lòng, đoàn kết của cộng đồng dân cư; tạo sự gần gũi hơn giữa nhân dân với chính quyền...; từ đó, đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương và phát triển chung của Thủ đô và đất nước.

(Còn nữa)