Ngày 23/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tổ chức hội nghị tư vấn hỗ trợ triển khai Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021-2030 (Quyết định 414/QĐ-TTg).
Mục tiêu của đề án là tăng cường năng lực của hệ thống quản lý chuyên ngành thú y các cấp, bảo đảm thực hiện có hiệu lực và hiệu quả các hoạt động thú y, kiểm soát dịch bệnh động vật phù hợp, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hội nhập toàn cầu chủ động và sâu rộng.
Khẩn trương phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, trong những năm qua Việt Nam đã quan tâm chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thú y, nhất là giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật và kiểm soát kháng thuốc theo cách tiếp cận Một sức khỏe, có sự hỗ trợ quan trọng của cộng đồng quốc tế và các nước.
Kết quả, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh động vật lây sang người, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường sinh thái và chủ động hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, công tác thú y của Việt Nam còn bộc lộ nhiều tồn tại, khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, nhất là trong bối cảnh cả thế giới vừa trải qua đại dịch Covid-19. Việt Nam đã phải đối diện với nhiều dịch bệnh nguy hiểm như: bệnh cúm gia cầm, dại, nhiệt thán, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trâu, bò; kiểm soát kháng thuốc còn nhiều khó khăn; các hoạt động Một sức khỏe còn hạn chế.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, không chỉ phê duyệt đề án, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có nhiều Chỉ thị, Công điện chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai, thường xuyên đến các địa phương để phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ và triển khai việc thực hiện đề án. Đồng thời, đã làm việc với nhiều đối tác quốc tế và đề nghị hỗ trợ triển khai các nội dung có liên quan đến đề án, nhất là các nội dung về phòng, chống dịch bệnh động vật; kiểm soát giết mổ, kiểm soát sử dụng kháng sinh và bảo đảm an toàn thực phẩm; các hoạt động Một sức khỏe; nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh cho động vật.
Nhờ đó, sau hơn 2 năm triển khai đề án, ngành thú y đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp…
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam chia sẻ, sự phát triển kinh tế cũng khiến Việt Nam đối diện nhiều mối đe dọa đến sản xuất chăn nuôi như dịch bệnh trên động vật, đặc biệt là những bệnh lây truyền từ động vật sang người. Việc kiểm soát dịch bệnh và đáp ứng nhu cầu thực phẩm thì vẫn phải bảo đảm cách tiếp cận Một sức khỏe.
Bà Pauline Tamesis đánh giá, đề án là một trong những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong bảo đảm phúc lợi và an ninh lương thực cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi thông qua kiểm soát hiệu quả dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hội nhập của ngành chăn nuôi trong thương mại toàn cầu.
Bà Pauline Tamesis hy vọng cộng đồng quốc tế cùng đóng góp cho Một sức khỏe để bảo đảm sức khỏe con người bền vững, sức khỏe động vật bền vững, từ đó bảo đảm sức khỏe nền kinh tế bền vững.
Thông qua phương pháp tiếp cận Một sức khỏe, FAO đã đóng góp phần cải thiện sức khỏe động vật để giúp chăn nuôi hiệu quả hơn và bền vững hơn, đồng thời đạt được sức khỏe tối ưu cho tất cả ở mặt con người-động vật-môi trường.
Với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) và các nhà tài trợ khác, Trung tâm phòng chống và kiểm soát khẩn cấp dịch bệnh động vật xuyên biên giới (ECTAD) của FAO Việt Nam đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ năm 2006 để kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của các dịch bệnh động vật xuyên biên giới và các bệnh lây truyền từ động vật sang người như cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) để giảm thiểu nguy cơ lây truyền sang người.
Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh đã giới thiệu về Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021-2030.
Đề án gồm bốn hợp phần chính nhằm tăng cường năng lực của hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y Việt Nam: Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người; tăng cường năng lực quản lý về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật và sản phẩm động vật; nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm thuốc, vaccine thú y; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực thú y.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi các tổ chức quốc tế, các nước tiếp tục quan tâm, hỗ trợ ngành thú y Việt Nam cả về kỹ thuật, chuyên gia và kinh phí trong việc kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, đặc biệt bệnh truyền lây qua biên giới, bệnh lây sang người, dịch bệnh mới nổi, có nguy cơ phát sinh trong tương lai; Xây dựng được các vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới, tạo ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam; Kiểm soát tốt tình trạng kháng thuốc; Nghiên cứu, sản xuất vaccine, nhất là các vaccine quan trọng như dịch tả lợn châu Phi và các vaccine phòng bệnh thủy sản; Hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước về công tác thú y, bao gồm tăng cường năng lực phòng thí nghiệm, nguồn nhân lực làm công tác thú y.