Bài 2: Tiếp cận cơ hội về đầu tư, tài chính

Hiện thực hóa tham vọng Net-Zero

Mục tiêu chuyển đổi xanh đầy thách thức, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp cận được với sự dịch chuyển các dòng vốn tín dụng, đầu tư tài chính toàn cầu và hợp tác quốc tế. Qua đó, giúp đất nước đẩy nhanh quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng, đồng thời tiếp cận được với các tri thức, công nghệ, tài chính cho thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nhất là các dòng tín dụng, đầu tư vào hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu hoặc chuyển đổi năng lượng.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc khu công nghiệp xanh nam Cầu Kiền, thành phốHải Phòng. (Ảnh HỒNG ÐIỆP)
Một góc khu công nghiệp xanh nam Cầu Kiền, thành phốHải Phòng. (Ảnh HỒNG ÐIỆP)

Có một nghịch lý là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang gặp thách thức về dòng tiền thì vốn xanh đầu tư vào các dự án có tác động tích cực đến môi trường, xã hội lại đang khá dư dả, đến mức nhiều khi không dễ tìm được cơ hội để đầu tư.

Tăng nguồn thu từ tín chỉ carbon

Nói về nền kinh tế xanh không thể không nhắc đến thị trường carbon, cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon.

Giám đốc Chương trình Quản lý tài nguyên và Chính sách thương mại, tổ chức Forest Trends Tô Xuân Phúc cho biết: Hiểu một cách đơn giản, thị trường carbon được hình thành theo cơ chế, chính sách của một hay nhiều quốc gia, tổ chức khác nhau, cho phép trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính hay kết quả giảm phát thải khí nhà kính được công nhận dưới dạng tín chỉ carbon.

Nói về nền kinh tế xanh không thể không nhắc đến thị trường carbon, cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon.

Hiện nay, các quốc gia phải cắt giảm phát thải để đạt được các thỏa thuận quốc tế về khí nhà kính, từ đó nảy sinh nhu cầu mua bán phát thải, tức là các quốc gia dư thừa quyền phát thải có thể bán cho các quốc gia phát thải nhiều hơn mục tiêu đã cam kết và ngược lại.

Ðơn cử trong tháng 9 vừa qua, Việt Nam đã nhận được hơn 41 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB) do chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng. Với một quốc gia nhiều tiềm năng về rừng như nước ta, việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng không chỉ góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu,... mà giờ đây còn mang lại lợi ích kinh tế thiết thực thông qua thị trường carbon.

Cũng theo lộ trình, sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam sẽ chính thức vận hành vào năm 2028 sau khi hoàn thiện các quy định cho hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Cũng theo lộ trình, sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam sẽ chính thức vận hành vào năm 2028 sau khi hoàn thiện các quy định cho hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Ðể chuẩn bị cho hoạt động của thị trường cũng như bắt đầu quá trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2026-2030, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 01/2022/QÐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Theo đó, bắt đầu từ năm 2023, cả nước có 1.912 cơ sở phải thực hiện kiểm kê định kỳ khí nhà kính. Căn cứ kết quả kiểm kê này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở.

Cách đây 4-5 năm, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã ghi chép tất cả nhật ký đồng ruộng cũng như quy trình phối hợp sản xuất giữa công ty và các hợp tác xã cho một mục tiêu hoàn toàn khác với việc kiểm kê khí nhà kính. Tuy nhiên, khi các chuyên gia quốc tế đánh giá quy trình trồng lúa sử dụng ít nước, ít phân bón của Lộc Trời đã đưa ra lời khuyên nên sử dụng các lịch sử ghi chép này để tạo ra tín chỉ carbon. Kết quả là hiện nay, Lộc Trời có cơ hội thu về hàng chục triệu USD trước khả năng hình thành các giao dịch với tín chỉ carbon đã đạt được.

Tổng Giám đốc Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận chia sẻ: Năm 2030, dự báo Việt Nam sẽ phát thải khoảng 120 triệu tấn khí nhà kính, trong đó cây lúa chiếm một nửa. Do đó, hành động của nông dân và những doanh nghiệp sản xuất lúa gạo như Lộc Trời sẽ có đóng góp rất lớn vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

Là doanh nghiệp dịch vụ nông nghiệp, hoạt động của Lộc Trời hiện bao phủ khoảng 2 triệu ha đất và 1 triệu nông dân, chủ yếu là trồng lúa. Công ty luôn hướng tới đổi mới nhiều sản phẩm sinh học hơn và giảm phần lớn khí nhà kính từ việc trồng lúa, thậm chí đặt mục tiêu cung cấp 10 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Nguồn thu từ tín chỉ carbon kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng với công ty sau này.

Câu chuyện của Lộc Trời cho thấy việc tuân thủ câu chuyện ghi chép và kiểm kê khí nhà kính là cần thiết, kể cả với những doanh nghiệp chưa bị yêu cầu nhằm chuẩn bị tham gia thị trường carbon.

Nguồn vốn xanh dồi dào

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng nhu cầu tài chính tăng thêm của Việt Nam để xây dựng khả năng chống chịu và giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn 2022-2040 cần khoảng 368 tỷ USD, trong đó riêng khu vực tư nhân cần khoảng 184 tỷ USD, gấp hơn ba lần so với lượng kinh phí hỗ trợ Việt Nam nhận được từ bên ngoài.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Phạm Phương Nam, CEO Công ty Klinova chuyên cung cấp dịch vụ và giải pháp về lĩnh vực xanh khẳng định: Vốn cho chuyển đổi xanh chưa bao giờ trong lịch sử lại nhiều như hiện nay. Vấn đề là đang thiếu dự án, hợp đồng, thỏa thuận đủ tốt để giới đầu tư bỏ tiền vì đi đâu cũng có những rào cản về xanh, về bền vững.

Tất cả các khoản đầu tư hiện nay đều phải xem xét đến tính trách nhiệm với xã hội chứ không thể chỉ đơn thuần là lợi nhuận. Bên cạnh đó, rào cản chính sách với tài chính xanh vẫn là rất lớn dù nhiều bộ, ngành, địa phương cũng đang tìm cách tháo gỡ.

Theo McKinsey & Company, từ năm 2017-2021, Việt Nam chỉ có ba thương vụ phát hành trái phiếu xanh thành công (đạt 216 triệu USD), thấp hơn nhiều so các nước trong khu vực như Malaysia (208 thương vụ, đạt hơn 17 tỷ USD), Indonesia (3.000 thương vụ, đạt gần 16 tỷ USD) và Thái Lan (hơn 3.500 thương vụ, đạt hơn 10 tỷ USD).

Nguyên nhân do Việt Nam còn thiếu phân loại xanh, dự thảo quy định về tiêu chí môi trường cho việc xác nhận các dự án được cấp tín dụng xanh, trái phiếu xanh đã trình Thủ tướng Chính phủ, nhưng chưa được phê duyệt.

“Nói đến phát triển bền vững, vấn đề đầu tiên là tiền đâu và vấn đề cuối cùng vẫn là tiền đâu”, Trưởng bộ phận phát triển bền vững (ESG) của Quỹ đầu tư Vina Capital Vũ Chí Công khẳng định và cũng đồng tình quan điểm nhu cầu đầu tư vào các dự án có tác động tích cực đến môi trường, xã hội đang rất dồi dào. Tín dụng xanh đang trở thành xu thế mới của ngành tài chính toàn cầu, nhằm hướng đến sự phát triển hài hòa, cân bằng giữa kinh tế và môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia thu hút nhiều nguồn vốn xanh từ quốc tế. Tính riêng trong hai năm 2021 và 2022, đã có hơn 7 tỷ USD nguồn vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam, phần lớn dành cho các dự án xanh nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và hạn chế phát thải.

Ðể tiếp cận được các nguồn vốn này, vấn đề quan trọng nhất đối với doanh nghiệp là tính sẵn sàng của thông tin và dữ liệu. Bởi trong quá trình sàng lọc, tìm kiếm dự án, doanh nghiệp không đủ dữ liệu, các quỹ đầu tư, ngân hàng, tổ chức cung cấp nguồn tín dụng xanh sẽ không đủ căn cứ giúp doanh nghiệp tiếp cận. Do đó, khi muốn thu hút nguồn vốn xanh, trước hết mỗi doanh nghiệp cần biết mình đang tạo ra những vấn đề môi trường nào, tích cực hay tiêu cực. Khi doanh nghiệp đã nhận thức được vấn đề, cần xây dựng lộ trình, chính sách và ghi chép về nguồn dữ liệu phát thải để sẵn sàng công bố. Ðến khi các quỹ đầu tư, ngân hàng sàng lọc dự án, sẽ dễ dàng tiếp cận được thông tin. Doanh nghiệp nào làm tốt nhiệm vụ kiểm kê, lưu trữ và công bố thông tin, doanh nghiệp đó chắc chắn sẽ nổi bật, càng có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn xanh.

Giám đốc đầu tư mảng tài chính khí hậu của Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu (responsAbility) Bùi Quang Duy cho biết: Theo thống kê, mức đầu tư cho tài chính khí hậu cần khoảng 3.500 tỷ USD, một con số khổng lồ nhằm giúp các quốc gia đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Dòng tiền này chủ yếu được điều phối, dẫn dắt bởi các tổ chức đa quốc gia hay các tổ chức đầu tư tư nhân như responsAbility. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang chiếm hơn 50% dân số toàn cầu, nhu cầu sử dụng năng lượng và phát thải rất lớn, đồng thời các quốc gia ở đây đều dễ bị tác động từ biến đổi khí hậu. Do đó, nguồn tài chính xanh sắp tới sẽ được hướng chủ yếu vào châu Á, trong đó có Việt Nam.

Trong hơn 5 tỷ USD đang được responsAbility phân bổ, có một nửa được đầu tư ở châu Á và Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 trong 80 thị trường đầu tư của quỹ này.

Theo ông Bùi Quang Duy, để nhận được các khoản đầu tư, doanh nghiệp cần cởi mở khi làm việc với các đối tác để xây dựng lộ trình, chiến lược phát triển xanh đầy đủ, được đánh giá cao từ các quỹ đầu tư. Nếu một doanh nghiệp Việt Nam muốn xây dựng khung quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ rất phức tạp bởi quá nhiều yêu cầu, điều kiện ở trong nước chưa có, chưa được tiếp xúc. Nhưng nếu doanh nghiệp đồng lòng hợp tác với các quỹ, sẵn sàng phối hợp để xây dựng chính sách liên quan phù hợp, sẽ là điểm xuất phát quan trọng. Ðiểm mấu chốt nhất là các doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, chỉ khi nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình với xã hội, môi trường thì mới có thể biến thách thức thành cơ hội. “Nguồn tài chính xanh chưa bao giờ nhiều như hiện nay. Nhất là hầu hết các dòng vốn hỗ trợ khác đều đang dần chuyển sang hỗ trợ cho tăng trưởng xanh. Nếu nói mà không đi đôi với làm, dòng tiền này sẽ mãi mãi “tắc biên”, nằm ngoài tầm với của doanh nghiệp”, ông Duy nói.

(Còn nữa)

----------------

Việt Nam nỗ lực hiện thực hóa tham vọng Net-Zero vào năm 2050