Hướng tới "5 dễ" khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Những năm qua, công tác cải cách hành chính tiếp tục được thành phố Hà Nội quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, điều hành toàn diện, đồng bộ các nội dung cải cách hành chính, từ cải cách thể chế, thủ tục hành chính đến cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Tuy nhiên, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn Hà Nội (chỉ số SIPAS) năm 2022 chỉ xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
0:00 / 0:00
0:00

Theo lý giải của đại diện Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Chỉ số SIPAS chưa cao bởi Hà Nội là địa bàn đông dân cư, doanh nghiệp (với 10 triệu người dân và khoảng hơn 350 nghìn doanh nghiệp), số đơn vị hành chính của cấp huyện nhiều, số lượng thủ tục hành chính phải giải quyết hằng năm lớn hơn rất nhiều so với các địa phương khác, yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng phục vụ trong việc giải quyết thủ tục hành chính cũng cao hơn.

Tuy nhiên, người dân đánh giá, Chỉ số SIPAS của thành phố chưa có sự ổn định, đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị. Có nơi, có lúc người dân còn khó tiếp cận dịch vụ; thái độ làm việc của cán bộ trực tiếp giải quyết hồ sơ còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Người dân còn gặp khó khăn trong quá trình góp ý, phản ánh, kiến nghị.

Tại hội thảo khoa học "Cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính thành phố Hà Nội" do Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức ngày 13/12 vừa qua, các đại biểu đều cho rằng, thành phố cần xác định những điểm còn yếu kém, lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên để tập trung giải pháp quyết liệt nhằm cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân. Các cơ quan, đơn vị cần tạo các kênh tương tác hữu hiệu giữa chính quyền và người dân để chia sẻ thông tin, giải thích cụ thể những vướng mắc, khó khăn.

Để nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính, thành phố cần phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, kênh phản ánh, kiến nghị để nâng cao sự hài lòng của người dân.

Thành phố cần cá thể hóa trách nhiệm đến từng lãnh đạo cấp phòng, cấp xã, từng cán bộ, công chức, viên chức; tăng phân cấp ủy quyền, trao quyền, giảm thẩm quyền chung và tăng thẩm quyền riêng, để phát huy sức sáng tạo của các cá nhân.

Thành phố cần tiếp tục cắt giảm tối đa thủ tục hành chính và chú trọng đơn giản hóa, số hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính, công khai, minh bạch hướng tới "5 dễ" cho người dân (dễ tìm, dễ xem, dễ hiểu, dễ thực hiện và dễ kiểm tra, giám sát, góp ý); đồng thời, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị theo đúng tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy Hà Nội.