Hướng đến thị trường kinh doanh gas lành mạnh, bền vững

NDO - Chiều 22/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Gas Việt Nam tổ chức Hội thảo “Góp ý đổi mới Nghị định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh khí”. Tham dự hội thảo có đại diện Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương và hơn 50 doanh nghiệp là thành viên Hiệp hội Gas Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu chủ trì Hội thảo “Góp ý đổi mới Nghị định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh khí”
Các đại biểu chủ trì Hội thảo “Góp ý đổi mới Nghị định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh khí”

Hiện nay, các sản phẩm khí (gas) bao gồm: LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng), CNG (khí thiên nhiên nén), LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) đang dần trở thành những sản phẩm năng lượng thiết yếu, quan trọng trong đời sống kinh tế- xã hội Việt Nam, góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tuy nhiên, để thị trường khí Việt Nam phát triển ổn định bền vững, rất cần có sự quản lý và điều hành của Nhà nước ở thượng tầng vĩ mô, bằng việc ban hành các chính sách, các quy định phù hợp, các chế tài xử phạt công minh nhằm điều tiết và định hướng hoạt động kinh doanh khí hướng tới mục tiêu cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng.

Mặc dù đã có hành lang pháp lý quản lý thị trường, nhưng thị trường gas vẫn tồn tại những bất cập như tình trạng chiếm dụng vỏ bình của các doanh nghiệp, từ đó hoán cải thay đổi tên thương hiệu; tình trạng buôn bán gas lậu, gas giả vẫn hoành hành gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và gây nguy cơ cháy nổ cao…

Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian qua, Bộ Công thương tiến hành rà soát, sửa đổi Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ban hành ngày 15/6/2018 về quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh gas nhằm mục tiêu điều chỉnh hành lang pháp lý theo kịp và phù hợp với các diễn biến cũng như sự phát triển của thị trường khí trong nước.

Trên cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham gia góp ý, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước về chính sách liên quan tới hoạt động kinh doanh gas, Hiệp hội Gas Việt Nam tổ chức Hội thảo “Góp ý đổi mới Nghị định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh gas” với mục đích tiếp thu ý kiến tập thể các thành viên Hiệp hội.

Tại Hội thảo, các thành viên của Hiệp hội đã đưa ra thảo luận các vấn đề về công tác quản lý của Nhà nước trong việc cung cấp nguồn gas, các chế tài đối với vi phạm quy định về quản lý nhà nước trong kinh doanh gas và công tác quản lý chuỗi phân phối cung cấp trực tiếp gas đến người tiêu dùng. Ngoài ra, các thành viên Hiệp hội cũng đã góp ý thêm đến các vấn đề về an toàn phòng chống cháy nổ trong kinh doanh gas.

Hướng đến thị trường kinh doanh gas lành mạnh, bền vững ảnh 1

Đại diện lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh gas đóng góp ý kiến tại hội thảo

Nội dung thảo luận của Hội thảo đã nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc quản lý nguồn gas, vai trò của thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu khí trong khâu cân đối cung cầu nguồn hàng cung cấp cho thị trường để hạn chế tình trạng thừa thiếu hàng cục bộ, ngăn chặn tình trạng đầu cơ trục lợi khi giá tăng. Để thực hiện được mục tiêu này, thì cần phải chú trọng đến mô hình quản trị nguồn hàng, xem xét quy định những doanh nghiệp có đủ năng lực cơ sở vật chất và có hệ thống phân phối khí đảm nhiệm việc cung cấp nguồn hàng cho thị trường.

Tham gia Hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đã được chia sẻ về mô hình chuỗi phân phối LPG đến người tiêu dùng tại Nhật Bản và những đề xuất đối với việc quản lý bán LPG chai (bình gas) trực tiếp cho người tiêu dùng tại Việt Nam.

Sau gần 5 năm ban hành và thực thi, việc rà soát và sửa đổi Nghị định về Kinh doanh gas là hết sức cần thiết để cập nhật về những thay đổi của thị trường, điều chỉnh những vấn đề bất cập, những quy định gây khó khăn vướng mắc trong hoạt động kinh doanh khí.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam Trần Minh Loan cho biết: “Sau Hội thảo này, Hiệp hội sẽ có văn bản chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và các cơ quan ban ngành chức năng ý kiến góp ý cho việc sửa đổi Nghị định này nhằm xây dựng một hành lang pháp lý hiệu quả, hướng đến một môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, phát triển bền vững, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tiếp tục đóng góp hiệu quả cho kinh tế xã hội, an ninh năng lượng quốc gia”.