Khi "cơn sốt" giá len vào gas, sữa
Đối với nhiều gia đình công chức có đồng lương ba cọc ba đồng, những ngày qua thật sự là những chuỗi ngày đầy khó khăn với sự chi tiêu "thắt lưng buộc bụng" để đủ tiền trang trải cho sinh hoạt gia đình. Mỗi thứ tăng lên gần chục nghìn, cộng lại không phải là con số nhỏ so với đồng lương Nhà nước ít ỏi của người tiêu dùng.
Phải nói rằng, giá cả thị trường đôi lúc quá "vô tình" đối với những người có thu nhập thấp. Chúng tôi thử khảo sát một số cửa hàng gas, sữa và thật sự ái ngại khi mà giá cả cứ vùn vụt tỷ lệ nghịch với túi tiền của người tiêu dùng. Các loại sữa ngoại và nội đua nhau tăng giá. Đơn cử, sữa bột nhãn hiệu Dielac (Vinamilk) tăng 3.000 đồng một hộp, sữa bột nhãn hiệu Formance, Gain và Pediasure BA, Ensure của hãng Abbott đều tăng trên 10% (tức là từ 7.000 đến 15.000 đồng).
Thực tế cho thấy, không phải đợi đến thời điểm này, giá sữa mới tăng mà nhiều năm nay, giá sữa luôn ở mức rất cao. Giá sữa bột dành cho trẻ em loại 400 gam nhập từ nước ngoài như Gain (Abbott, Mỹ), Enfalac-Enfagrow (Johnson) có giá từ 80.000 đến 350.000 đồng/hộp (tuỳ từng loại lớn hay nhỏ), sữa XO (Hàn Quốc) từ 250 đến 270 đồng/hộp. Các nhãn hiệu sữa nước ngoài đóng gói nhỏ và chế biến tại Việt Nam như Lactogen (Nestlé), cô gái Hà Lan (Dutch Lady có giá 5.000 đồng/hộp. Và các loại sữa nội như Dielac (Vinamilk), Nuti (Nutifood) cũng ở mức từ 3.000 đến 3.500 đồng/hộp.
Cùng với sự lên giá vùn vụt của các loại sữa thì giá gas cũng "nhảy cóc" không kém. Từ những ngày cuối tháng ba và đặc biệt là đầu tháng tư, thị trường gas đồng loạt tăng giá. Các bình gas loại 12 kg tăng ở mức 8.000 đồng/bình. Điều đáng nói là mặc dù từ phía các công ty vẫn chưa có công bố chính thức về sự tăng giá và tại các đại lý gas lớn như Shell, Total... vẫn đang áp dụng giá bán cũ thì tại hầu hết các cửa hàng kinh doanh gas lại áp dụng giá mới, tăng từ 10.000 đến 12.000 đồng/bình.
Khi chúng tôi hỏi về điều này, một chủ cửa hàng trên đường Cầu Giấy - Hà Nội cho biết:
"Cửa hàng bắt đầu tăng giá gas từ hôm 1-4. Vì có người quen trong thành phố Hồ Chí Minh gọi điện ra thông báo giá gas trong đó đang tăng rất cao". Và một khi một cửa hàng lên giá thì theo dây chuyền kinh doanh, các cửa hàng khác cũng "đánh tiếng" được và thế là một giá mới đã được áp dụng làm cho nỗi lo của người tiêu dùng càng thêm nặng gánh.
Vì sao gas, sữa lại tăng?
Đây là một câu hỏi mà hầu hết những người tiêu dùng đang muốn được giải đáp. Theo ông Nguyễn Lân Đính - chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Hà Nội: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng giá như thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển, chi phí nghiên cứu phát triển sản phẩm, đặc biệt là nguồn nguyên liệu phải nhập 100% từ nước ngoài... Đó chính là những nguyên nhân làm cho giá sữa lên cao. Cũng phải nói thêm rằng, mức thuế nhập khẩu đánh vào sữa hiện nay rất cao (thuế suất sữa nhập khẩu nguyên liệu hiện đang ở mức từ 10 đến 15%). Do đó mà giá thành của các loại sữa nói chung đều quá cao so với mức thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam. Đó là chưa kể đến thuế dành cho sữa thành phẩm cũng còn cao ngất ngưởng ở mức từ 30 đến 45%.
Cũng tương tự như vậy, giá gas cũng đang cùng "số phận". Theo chúng tôi được biết, giá gas tăng có nhiều nguyên nhân, trong đó một phần là do sản lượng khai thác khí gas trong nước hiện nay quá thấp, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng gas ngày càng cao của đông đảo người dân. Chính vì vậy mà phải nhập khẩu một số lượng khí gas lớn. Hơn nữa, thời gian gần đây Hiệp Hội Dầu lửa thế giới (OPEC) đã cắt giảm đáng kể lượng dầu khai thác làm ảnh hưởng đến giá gas nhập khẩu (hiện giá nhập khẩu gas tăng gần 30 USD/tấn). Bên cạnh đó là việc nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và các nước châu Âu đang mua vào một lượng lớn dầu để tích trữ đã vô hình chung làm cho thị trường dầu, gas trên thế giới biến động mạnh theo chiều hướng tăng lên. Chính vì vậy, nếu trong những ngày tới, giá gas trên thế giới không giảm thì giá gas ở Việt Nam chắc chắn sẽ không dừng lại ở mức giá như hiện nay.
Một nguyên nhân nữa cũng rất dễ nhận thấy đó chính là hiện tượng các chủ cửa hàng "tung hỏa mù" về sự tăng giá đối với người tiêu dùng khi họ "đánh hơi" về việc Nhà nước sẽ tăng lương cho giới công chức. Gas, sữa và một số mặt hàng khác là những vật dụng tiêu dùng hằng ngày nên rất dễ bị các chủ cửa hàng nâng giá một cách vô tội vạ để rút hầu bao của người tiêu dùng. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân gây nên sự biến động giá gas, sữa trên thị trường trong những ngày gần đây.
Để thị trường gas, sữa cũng như các mặt hàng khác không biến động, gia tăng, nên chăng, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi hơn như giảm thuế suất nguyên liệu, khuyến khích hỗ trợ để phát triển nhiều nhà máy sản xuất sữa, cũng như đẩy mạnh khai thác nguồn khí gas để nâng cao sản lượng, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu của người sử dụng. Đồng thời, cũng cần có những điều tiết hợp lý để tránh tình trạng "sốt giá", tạo thêm gánh nặng cho những người có thu nhập thấp.