Nhận diện thị trường gas

Những "đại gia" kinh doanh gas trong nước sẽ thua hay thắng trong cuộc cạnh tranh đang diễn ra rất dữ dội?

Sản phẩm LPG (khí hóa lỏng hay còn gọi là gas) đã được tiêu dùng ở Việt Nam từ năm 1957. Giai đoạn đầu những năm 90, thị trường gas Việt Nam mới có ba công ty tham gia kinh doanh là Elfgas, Petrolimex và Saigon Petro với tổng mức tiêu thụ mới ở mức 5.000-8.000 tấn/năm.

Nhu cầu nội địa tăng nhanh

Nhu cầu tiêu thụ gas tăng dần qua các năm sau đó. Theo Petrolimex, năm 1994 tiêu thụ đạt 16.400 tấn, năm 1996 tăng mạnh lên 91.000 tấn, năm 1999 tăng lên 225.000 tấn (nhập khẩu 58.000 tấn), năm 2002 đạt 500.000 tấn (nhập khẩu 340.000 tấn), năm 2003 tiêu thụ đạt mức 630.000 tấn, trong đó nhập khẩu 360.000 tấn, năm 2005 tăng lên 830.000 tấn, trong đó nhập khẩu khoảng 500.000 tấn và lượng sản xuất của Nhà máy Gas Dinh Cố (thuộc Công ty Chế biến và Kinh doanh các sản phẩm khí - PV Gas) khoảng 300.000 tấn.

Tiêu thụ gas tăng mạnh đã thu hút nhiều hãng nổi tiếng trên thế giới như BP, Shell, Total, PTT, Petronas... nhảy vào thị trường Việt Nam và cạnh tranh quyết liệt với nhau.

Thời kỳ đầu, gas bị đánh thuế nhập khẩu khá cao là 30%, sau đó mức thuế nhập khẩu gas giảm dần, hiện nay còn 5%. Trước tháng 6/1999, toàn bộ lượng gas tiêu thụ trên thị trường Việt Nam đều là gas nhập khẩu, phần lớn từ Thái-lan, Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc.

Từ tháng 6-1999 đến 3-2001, phần lớn lượng gas tiêu thụ ở trong nước là gas do Nhà máy Dinh Cố (thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam) sản xuất.

Ngày 18-4-2002, sáu "đại gia" kinh doanh gas đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ liên quan sớm có biện pháp ngăn ngừa việc bán phá giá gas trên thị trường của hai xí nghiệp bán lẻ thuộc Công ty Chế biến và Kinh doanh các sản phẩm khí (PVGC).

Sáu công ty kinh doanh gas lớn (trong đó có bốn liên doanh) cho rằng, kể từ khi thành lập đến nay, PVGC đã cạnh tranh không bình đẳng thông qua giá bán rất thấp, thậm chí có những giai đoạn giá bán của PVGC này thấp hơn cả giá bán của các đơn vị tư nhân là những đơn vị có mức chi phí tối thiểu trên thị trường.

Các công ty kinh doanh gas lớn đề nghị Ban vật giá chính phủ (nay là Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính) và các cơ quan chức năng kiểm tra và xác định định mức chi phí tối thiểu hợp lý (chi phí này bao gồm chi phí vận chuyển từ Dinh Cố, chi phí phân bổ bình gas, khấu hao tài sản cố định, lương, chi phí khác và lãi định mức) của PVGC trong khâu phân phối gas để hình thành giá bán lẻ hợp lý trên cơ sở giá bán ra của PVGC.

Vụ "kiện" này không phân thắng bại nhưng đã tác động làm cho Nhà nước can thiệp sâu vào thị trường gas thông qua việc khống chế giá bán tại Dinh Cố, quy định giá bán lẻ gas tối đa ở các thành phố lớn, kiểm tra giá trần của các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh gas, giảm thuế nhập khẩu gas, quyết định tỷ lệ được phép mua gas của Dinh Cố cho mỗi doanh nghiệp.

Từ tháng 3-2001 đến nay, Nhà nước bãi bỏ kiểm soát giá trần và giá bán gas Dinh Cố, từ đó cuộc cạnh tranh ngày càng dữ dội hơn.

Tổ chức lại ngành kinh doanh gas

Theo dự báo của Petrolimex, nhu cầu tiêu thụ gas ở Việt Nam trong 5 năm tới sẽ tăng 9-12%/năm do những nguyên nhân sau: gas là chất đốt sạch, cho nhiệt độ cao, năng suất tỏa nhiệt lớn, không gây ô nhiễm môi trường, không gây nhiễm bẩn thực phẩm ngay cả khi tiếp xúc trực tiếp, độ an toàn cao do được hóa lỏng dưới áp suất thấp, không ăn mòn, tiện lợi trong việc vận chuyển, tồn trữ và sử dụng.

Hiện cả nước có khoảng 80 công ty, cơ sở kinh doanh gas (chưa tính những cửa hàng bán lẻ), trong đó 10 công ty lớn (trong nước, liên doanh và nước ngoài) đảm nhận việc nhập khẩu, cung ứng gas cho thị trường Việt Nam, số còn lại chủ yếu là sang chiết ga và phân phối ga ở các vùng nông thôn.

80 công ty này đang cạnh tranh quyết liệt với nhau, chiếm thị phần lớn nhất là Công ty Cổ phần Gas Petrolimex, tiếp đến là Công ty Chế biến và Kinh doanh các sản phẩm phí và Saigon Petro. Ba công ty này đã "đè bẹp" sức cạnh tranh của những tập đoàn lớn trên thế giới trong kinh doanh gas ở Việt Nam nhờ có lợi thế sau: chi phí cho kênh phân phối, bán hàng, chi phí quản lý, chi phí lương và kinh doanh thấp hơn nhiều các hãng gas nước ngoài và liên doanh.

Ba công ty Việt Nam đều có trình độ công nghệ trong quá trình lưu trữ, sang chiết, xử lý các sản phẩm, cung cấp cho khách hàng các thiết bị theo công nghệ tiên tiến, bảo đảm độ an toàn cao, có mạng lưới đại lý phân phối lớn và triển khai kinh doanh trên phạm vi toàn quốc, có hệ thống kho bể đầu mối có sức chứa lớn nhất với công nghệ tồn trữ, đóng nạp hiện đại, tương đương với các nước trong khu vực và có hệ thống đội xe ô tô vận chuyển gas rời.

Đặc biệt, ba công ty này được nhận gas do Nhà máy Dinh Cố sản xuất với tỷ trọng lớn nhất với giá mua thấp hơn giá gas nhập khẩu.

Trong kinh doanh gas dân dụng, ba công ty nói trên không những cam kết không thu lãi từ các sản phẩm ban đầu mà còn giảm giá các thiết bị ban đầu và tặng ruột gas cho lần mua sắm đầu tiên của khách hàng.

Trong lĩnh vực kinh doanh gas công nghiệp, những công ty lớn hoạt động như đơn vị cho thuê tài chính và cam kết không thu lãi trên phần vốn đầu tư ban đầu và giá trị đầu tư có thể thu hồi dần, xác định trên mỗi tấn gas cung cấp cho khách hàng.

Lợi thế cạnh tranh lớn nhất của những công ty là cung cấp gas cho những công ty thuộc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam. Những công ty này tiêu thụ lượng gas khá lớn và luôn thanh toán đầy đủ, đúng hạn, tạo sự an toàn về tài chính cho đối tác.

Một lợi thế nữa là cung cấp gas trực tiếp cho những công ty trong các ngành công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp gốm sứ, vật liệu xây dựng, ba công ty gas thường đầu tư hệ thống cung cấp gas, trợ giúp kỹ thuật thường xuyên, kịp thời cho khách hàng với giá cả cạnh tranh.

Trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có ba nhà máy lọc dầu đi vào hoạt động với công suất chế biến dự kiến trên 15 triệu tấn dầu thô/năm, khi đó toàn bộ lượng gas tiêu thụ trong nước sẽ là hàng nội địa, lúc đó có thể sẽ phải tổ chức những cuộc đấu thầu mua gas của những nhà máy lọc dầu trong nước để cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.