Tại Lễ khánh thành giai đoạn 2 tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình trên địa phận tỉnh Hưng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lê Huy cho biết: Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình trên địa phận tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hà Nam là tuyến đường quan trọng trong vùng lõi kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Việc hoàn thành dự án này sẽ nâng cao khả năng khai thác đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, giảm tải cho Quốc lộ 5, Quốc lộ 1, góp phần làm thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông của tỉnh Hưng Yên, mở rộng không gian kinh tế, xây dựng các khu, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư.
Nâng cao hơn nữa hiệu quả của tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, tỉnh Hưng Yên tiếp tục đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng xây tuyến đường bên dọc theo tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, có chiều dài hơn 19 km, thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng; nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực phục vụ vận tải hàng hóa.
Tuyến đường bên và tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình kết nối hệ thống giao thông của tỉnh Hưng Yên với Thủ đô Hà Nội, các đô thị lớn, trung tâm kinh tế, cảng biển, sân bay…; tạo điều kiện cho Khu công nghiệp đô thị-dịch vụ Lý Thường Kiệt có quy mô khoảng 3.000 ha, với 8 khu công nghiệp, cảng thông quan nội địa, dịch vụ logistics và khu đô thị sinh thái, nhà ở cho công nhân phát triển.
Với vị trí địa lý giáp Thủ đô Hà Nội, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, để khai thác tiềm năng và lợi thế, trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã đầu tư phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, với hơn 1.400 km đường các loại được đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây mới, góp phần bảo đảm sự liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải; gắn kết giữa các địa phương, giữa đô thị và nông thôn, nhất là với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Cùng với các dự án đã hoàn thành, hiện nay tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến: Đường liên tỉnh Hà Nội-Hưng Yên kéo dài, có tổng mức đầu tư hơn 2.894 tỷ đồng, có chiều dài khoảng 33,5 km, chiều rộng mặt đường 21m, được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp II đồng bằng. Tuyến đường xây dựng xong sẽ kết nối với nhiều tuyến đường trong tỉnh và kết nối tỉnh Hưng Yên với vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, phục vụ tốt nhu cầu giao thông, vận tải, thu hút đầu tư trên địa bàn các huyện Văn Giang, Văn Lâm, Khoái Châu, Yên Mỹ và thị xã Mỹ Hào. Tuyến đường trục ngang kết nối QL.39 với ĐT.376… Nhất là tuyến đường Tân Phúc Võng Phan tỉnh Hưng Yên vừa khởi công xây dựng.
Đây là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Hưng Yên thuộc loại công trình giao thông cấp II, có tổng mức đầu tư gần 3 nghìn tỷ đồng, với tổng chiều dài khoảng 29,2 km. Tuyến đường này từ nút giao Tân Phúc, huyện Ân Thi thuộc cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sẽ chạy thẳng về Võng Phan, huyện Phù Cừ, hình thành tuyến đường liên vùng, kết nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với tỉnh Thái Bình, Nam Định; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, hình thành các cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dịch vụ, du lịch trên địa bàn các huyện Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ.
Với vị trí địa lý giáp Thủ đô Hà Nội, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, để khai thác tiềm năng và lợi thế, trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã đầu tư phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, với hơn 1.400 km đường các loại được đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây mới, góp phần bảo đảm sự liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải; gắn kết giữa các địa phương, giữa đô thị và nông thôn, nhất là với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, như: Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và cầu Hưng Hà; nâng cấp, cải tạo QL.38; nâng cấp, cải tạo ĐT.386; nâng cấp ĐT.378 (đê sông Luộc); xây dựng cầu La Tiến và đường dẫn hai đầu cầu; cải tạo, nâng cấp ĐT.387; cải tạo, nâng cấp ĐH.17 kéo dài đến ĐT.379...
Để tiếp tục tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Tỉnh Hưng Yên tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là giao thông, nhất là những công trình giao thông có vai trò động lực. Cụ thể hóa nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 19, Tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành Nghị quyết chương trình phát triển giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên đã thông qua nghị quyết điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, dự kiến phân bổ nguồn vốn ngân sách tỉnh trong lĩnh vực giao thông giai đoạn 2021-2025 lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó đầu tư lớn xây dựng thêm nhiều tuyến đường có vai trò động lực cho phát triển kinh tế, như: đường vành đai 3,5, đường vành đai 4, tuyến đường kết nối di sản dọc tuyến đê sông Hồng từ Văn Giang đến thành phố Hưng Yên…
Những tuyến đường lớn được đưa vào khai thác sử dụng kết nối với hệ thống giao thông quốc gia trên địa bàn tỉnh sẽ tạo bước đột phá về phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực khai thác của nhiều tuyến đường, mở rộng không gian phát triển các khu, cụm công nghiệp, các đô thị và là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.