Trung Quốc và Mỹ tăng cường hợp tác về khí hậu vì lợi ích toàn cầu

Sau thời gian đình trệ, cuộc đàm phán về hợp tác chống biến đổi khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc được khởi động lại và tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn từ hai quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới. Hai bên kỳ vọng, những thành quả hợp tác về khí hậu có thể góp phần tăng cường quan hệ song phương.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tháng 7/2023, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry thăm Trung Quốc, với mục tiêu tái khởi động các cuộc đàm phán về khí hậu vốn bị đình trệ giữa hai nước.

Gặp đại diện nước chủ nhà, ông John Kerry nhấn mạnh, Mỹ và Trung Quốc hướng tới mục tiêu xây dựng lại lòng tin sau khi các cuộc đàm phán bị đình trệ từ năm ngoái, đồng thời kêu gọi hai nước hợp tác chặt chẽ, nhằm cắt giảm phát thải khí methane và hạn chế tác động từ việc sử dụng than đá đối với khí hậu.

Chuyến thăm Trung Quốc nêu trên của ông John Kerry được thực hiện trong bối cảnh nắng nóng gay gắt khiến nhiệt độ tại nhiều nơi trên thế giới liên tục lập đỉnh.

Làm việc với đại diện Trung Quốc, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ hy vọng Washington và Bắc Kinh có thể bắt đầu triển khai một số bước đi lớn, nhằm khẳng định nỗ lực của hai bên góp phần giải quyết thách thức chung đối với toàn nhân loại. Đại diện Mỹ cũng đánh giá cao những kết quả “đáng kinh ngạc” của Trung Quốc trong phát triển năng lượng tái tạo.

Chính quyền Washington khẳng định, chống biến đổi khí hậu là lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc cần tăng cường hợp tác vì lợi ích toàn cầu. Tháng 9 vừa qua, gặp Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính bên lề Khóa họp lần thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry cũng nhấn mạnh, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cần nỗ lực đẩy nhanh tiến trình trung hòa carbon và giảm phát thải khí methane.

Ông Kerry tái khẳng định tính cấp bách về yêu cầu hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, đòi hỏi hành động đầy tham vọng của cả Mỹ và Trung Quốc. Phía Mỹ không ít lần nhận định, các mục tiêu lớn về khí hậu khó có thể đạt được, nếu không có sự tham gia của Trung Quốc.

Trước thềm Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), dự kiến diễn ra cuối năm nay tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), giới chuyên gia đánh giá vai trò của Trung Quốc là rất quan trọng trong việc bảo đảm thành công của Hội nghị.

Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber trong một bài viết mới đây đề cao năng lực tạo ra thay đổi lớn của Trung Quốc. Là thị trường năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ tiến trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu thông qua chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo.

Trung Quốc cũng cam kết đầu tư hơn 350 tỷ USD trong vòng bốn năm vào lưới điện thông minh, giúp nâng cao hiệu quả của nguồn năng lượng tái tạo.

Cũng theo chuyên gia, Trung Quốc có đủ điều kiện để đóng vai trò quan trọng trong các khía cạnh chính của tiến trình thích ứng.

Với những thành quả trong lĩnh vực y tế, Trung Quốc có thể giúp thúc đẩy tiến bộ vì sức khỏe con người, trong bối cảnh hệ thống y tế ngày càng chịu gánh nặng bởi biến đổi khí hậu. Là nhà sản xuất thực phẩm lớn nhất và đi đầu về công nghệ nông nghiệp, Trung Quốc có đủ điều kiện cung cấp các hệ thống thực phẩm bền vững cho tương lai.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ nhiều lần nhấn mạnh, mối quan hệ song phương ổn định có tầm quan trọng không chỉ đối với cả Trung Quốc và Mỹ, mà còn đối với thế giới nói chung.

Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cạnh tranh và đối đầu hiện không phù hợp xu thế thời đại, cản trở tiến trình tìm lời giải cho những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt.

Phía Mỹ khẳng định sẵn sàng tăng cường đối thoại và liên lạc với Trung Quốc một cách cởi mở và thẳng thắn dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Washington mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Bắc Kinh trong nhiều vấn đề, trong đó có chống biến đổi khí hậu, thương mại và đầu tư.

Trung Quốc và Mỹ đều cho rằng với mức độ hội nhập cao của hai nền kinh tế và những lợi ích gắn bó chặt chẽ, hai nước đều có lợi từ sự phát triển của nhau.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá, giải quyết các vấn đề toàn cầu, gồm cả thách thức về khí hậu, đòi hỏi sự phối hợp của Trung Quốc và Mỹ. Hai nước sẵn sàng đón đầu thời cơ và hành động với tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích chung của toàn nhân loại.