Được công bố tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra ở Đức mới đây, Hiệp định về ngăn chặn tin giả do AI tạo ra có sự tham gia của nhiều “đại gia” trong ngành công nghệ như Meta, X, Google, OpenAI, Microsoft, TikTok, Amazon... Theo thỏa thuận, các bên sẽ đưa ra giải pháp để phát hiện, gắn nhãn, kiểm soát hình ảnh, video và âm thanh do AI tạo ra, vốn nhằm mục đích đánh lừa cử tri.
Nội dung do AI tạo ra có thể được gắn thẻ ngay từ dữ liệu nguồn. Ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta, khẳng định, nỗ lực chống tin giả liên quan các cuộc bầu cử cần có sự đồng lòng chung tay của tất cả các bên, bao gồm cả các nhà phát triển AI và những người dùng thông thường.
Nguy cơ về việc AI làm ảnh hưởng các cuộc bầu cử đang ngày càng gia tăng, trong bối cảnh khoảng 40% số dân toàn cầu sẽ tham gia bỏ phiếu trong năm 2024, một năm có rất nhiều cuộc bầu cử như tại Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nam Phi... Thậm chí, trong Báo cáo rủi ro toàn cầu 2024, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định rằng, mối lo ngại về việc AI gây sai lệch kết quả bầu cử đứng đầu danh sách những rủi ro lớn nhất trong năm nay.
Kết quả thăm dò của Tập đoàn truyền thông Axios và hãng tư vấn Morning Consult cho thấy, 53% số người Mỹ được hỏi tin rằng những thông tin sai lệch do AI tạo ra sẽ ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử của nước này trong năm 2024.
53% số người Mỹ được hỏi tin rằng những thông tin sai lệch do AI tạo ra sẽ ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử của nước này trong năm 2024.
Theo tổ chức phi lợi nhuận Freedom House, những hình ảnh, văn bản, âm thanh do AI tạo ra có thể bị lợi dụng để đưa tin sai lệch, bóp méo sự thật. Mối lo ngại này ngày càng gia tăng sau khi một cuộc gọi giả giọng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được lan truyền hồi tháng 1/2024 với nội dung kêu gọi người dân không đến bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang New Hampshire của Mỹ.
Các công ty công nghệ đang đứng trước nhiệm vụ cấp bách loại bỏ thông tin sai lệch, tạo dựng một thế giới trực tuyến lành mạnh và tin cậy cho người sử dụng. Tập đoàn Google thông báo kế hoạch triển khai chiến dịch chống tin giả tại năm quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), gồm Bỉ, Pháp, Đức, Italia và Ba Lan, trước thềm cuộc bầu cử nghị viện của khối diễn ra vào tháng 6 tới. Kể từ tháng 3/2024,
Công ty con Jigsaw của Tập đoàn Google bắt đầu hoạt động để giải quyết các mối đe dọa đối với xã hội. Theo đó, Jigsaw sẽ chạy một loạt quảng cáo hoạt hình trên các nền tảng như TikTok và YouTube tại năm quốc gia nêu trên. Người xem các quảng cáo này sẽ được yêu cầu điền vào bảng câu hỏi trắc nghiệm ngắn, được thiết kế để đánh giá những gì họ biết về thông tin sai lệch.
Công ty OpenAI cho biết, trong bối cảnh Mỹ tiến hành bầu cử tổng thống trong năm nay, công ty này đang phối hợp với Hiệp hội Thư ký quốc gia (NASS) - một tổ chức có trụ sở ở Mỹ, tập trung thúc đẩy các tiến trình dân chủ như các cuộc bầu cử - để giải quyết mối lo ngại tin giả từ AI.
Theo đó, công cụ ChatGPT sẽ điều hướng người dùng đến chuyên trang bầu cử CanIVote.org khi đặt câu hỏi liên quan đến cuộc bầu cử. Trong khi đó, Meta thông báo cấm các quảng cáo chính trị sử dụng những công cụ quảng cáo trang bị công nghệ AI tạo sinh.
Giới lập pháp cảnh báo rằng, việc các nhà quảng cáo sử dụng công cụ trang bị AI tạo sinh để đăng quảng cáo chính trị có thể làm tăng tốc độ lan truyền thông tin sai lệch về bầu cử.
Mỗi làn sóng công nghệ mới đều kéo theo những mối lo ngại mới, và công nghệ AI cũng như vậy. Thực tế này đòi hỏi các quốc gia, tổ chức, nhất là các công ty công nghệ, đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ để xây dựng một thế giới an toàn trong thời đại AI, trong đó có việc góp phần giữ gìn tính minh bạch và công bằng của các cuộc bầu cử.