Những đột phá về AI đặt ra khó khăn rất lớn cho những tổ chức, thực thể vốn đang phải chật vật ứng phó với những mối đe dọa ngày càng gia tăng do thông tin giả mạo và những tính toán sai lầm gây ra.
Theo "Báo cáo Rủi ro Toàn cầu 2024" của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), mối lo ngại về việc trí tuệ nhân tạo (AI) gây sai lệch kết quả bầu cử đứng đầu danh sách những rủi ro lớn nhất trong năm nay.
Trách nhiệm trong phát triển công nghệ AI
Báo cáo công bố ngày 9/1 cho thấy mối lo ngại trên nổi cộm trong bối cảnh gần 3 tỷ người, tương đương gần 50% dân số trưởng thành trên toàn cầu, sẽ tham gia bỏ phiếu trong năm 2024, một năm có rất nhiều cuộc bầu cử như tại Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nam Phi, Mexico...
Trong 10 rủi ro lớn nhất được dự báo trong cả năm nay và thậm chí vào năm 2025, báo cáo của WEF xếp thông tin gây hiểu lầm và tin giả do AI gây ra mối đe dọa hơn cả các vấn đề biến đổi khí hậu, sự phân cực trong xã hội, mất an ninh mạng, xung đột vũ trang, thiếu cơ hội kinh tế, lạm phát, di cư miễn cưỡng, kinh tế suy giảm và ô nhiễm.
Để thực hiện báo cáo trên, WEF đã phối hợp Tập đoàn Bảo hiểm Zurich khảo sát hơn 1.400 chuyên gia nghiên cứu rủi ro toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo ngành vào tháng 9/2023 về những mối quan ngại lớn nhất trên thế giới theo đánh giá của họ.
Phụ trách mảng thương mại khu vực châu Âu tại công ty tư vấn Marsh McLennan, đồng tác giả báo cáo, bà Carolina Klint nhận định AI có thể tạo lập các mô hình nhằm tác động đến số lượng lớn các cử tri theo cách thế giới chưa từng thấy. Bà cho biết các chuyên gia đang theo dõi sát vấn đề này để đưa ra những đánh giá kịp thời.
Cũng theo bà Klint, những đột phá về AI sẽ đặt ra khó khăn rất lớn cho những tổ chức, thực thể vốn đang phải chật vật ứng phó với những mối đe dọa ngày càng gia tăng do thông tin giả mạo và những tính toán sai lầm gây ra.
Cùng lúc đó, các công ty vẫn phải đàm phán các chuỗi cung ứng đang trở nên phức tạp hơn do vấn đề địa chính trị, biến đổi khí hậu và các mối đe dọa tấn công mạng ngày càng tăng. Điều này đòi hỏi cần chú trọng xây dựng khả năng phục hồi ở cấp độ tổ chức, quốc gia và quốc tế cũng như tăng cường hợp tác chặt chẽ công-tư để có thể thích ứng phù hợp.
Tương tự, nhóm tác giả thực hiện báo cáo trên nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo cần tập trung vào hợp tác toàn cầu cũng như thiết lập các biện pháp bảo vệ trước những rủi ro mới nổi có thể gây tác động tiêu cực nhất.
Giám đốc Điều hành WEF Saadia Zahidi lo ngại một trật tự toàn cầu bất ổn do sự phân cực và mất an ninh, những tác động ngày càng trầm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan và sự bất ổn kinh tế đang khiến những rủi ro ngày càng tăng - trong đó có thông tin gây hiểu lầm và tin giả - lan rộng hơn.
Bà Zahidi kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới phối hợp giải quyết các cuộc khủng hoảng ngắn hạn, cũng như đặt nền móng cho tương lai bền vững, toàn diện và có khả năng phục hồi tốt hơn.
Báo cáo mới công bố của WEF cũng đưa ra dự báo 10 nguy cơ lớn nhất trong một thập kỷ tới, gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan; sự biến đổi quan trọng đối với hệ thống Trái Đất; mất đa dạng sinh thái và hệ sinh thái sụp đổ; thiếu các nguồn tài nguyên quốc gia; thông tin gây hiểu lầm và tin giả; những vấn đề bất lợi do công nghệ AI; di cư miễn cưỡng; mất an ninh mạng; sự phân cực trong xã hội và ô nhiễm.
Báo cáo được công bố tại thời điểm các nhà lãnh đạo toàn cầu sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới thường niên WEF vào tuần tới ở Davos (WEF Davos 2024), Thụy Sĩ.
Dự kiến, tại sự kiện với khẩu hiệu "Xây dựng lại niềm tin" này, các đại biểu sẽ thảo luận nhiều vấn đề toàn cầu, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine, xung đột tại Trung Đông, vấn đề kinh tế và công nghệ...