Tin giả bao trùm không gian mạng
Thời gian qua, vẫn tồn tại một thách thức lớn là ngăn chặn những mối nguy hiểm đặc biệt từ những thông tin sai lệch, bịa đặt, xuyên tạc… được lan truyền trên không gian mạng với tốc độ chóng mặt. MXH như Facebook, TikTok, YouTube... là những kênh thông tin hữu hiệu, thậm chí có khả năng tiếp cận người dùng lớn. Tuy nhiên, các MXH này vẫn còn nhiều lỗ hổng trong kiểm duyệt, thông tin không bảo đảm tính xác thực, chúng tồn tại dựa trên những cú nhấp chuột, lượt tiếp cận, lượt xem, bình luận và chia sẻ.
Chỉ cần có tài khoản, bất cứ ai cũng có thể chia sẻ thông tin lên MXH bất luận tính xác thực và thông tin đó cũng có thể tiếp cận đến số lượng đông hay ít người xem tùy vào độ giật gân. Lợi dụng cơ chế lỏng lẻo trong khâu xác thực, nhiều đối tượng đã bất chấp “giật tít” với mục đích câu lượt tương tác bằng những tin tức chưa được kiểm chứng.
Theo đánh giá của Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam, tin giả được chia làm bốn loại phổ biến: tin giả về chính trị nhằm chống phá chế độ; tin giả về thương mại nhằm mục đích phá hoại kinh tế; tin giả về xã hội, lợi dụng các vụ việc nóng để lôi kéo lượt tương tác, câu view câu like; và tin giả với mục đích giải trí nhưng không xác thực dẫn đến bị lợi dụng và lan tỏa, tạo nên các phản ứng trái chiều trong dư luận.
Mới đây, câu chuyện một nhân vật TikToker tên V.M.L bị cô bán phở tại một phố thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội phân biệt đối xử, sử dụng từ ngữ miệt thị vì ngồi xe lăn đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Thoạt đầu mới đọc dòng trạng thái của nhân vật, đa số người xem đều lên án, tẩy chay quán phở có tuổi đời lên tới 50 năm kia và bày tỏ sự đồng cảm với nhân vật. Tuy nhiên, một số người dùng vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra sự mâu thuẫn trong câu chuyện và sự thật đã được phơi bày ngay sau đó qua việc chủ quán phở đã trích xuất camera trong quán. Đặt trong trường hợp người dùng MXH không tỉnh táo mà chỉ nghe theo chia sẻ từ một phía, quán phở sẽ bị tẩy chay, “miếng cơm” của cả một gia đình bị ảnh hưởng bởi những lỗi lầm “từ trên trời rơi xuống”.
Tỉnh táo trong tiếp nhận thông tin
Còn nhớ những ngày dịch Covid-19 bùng phát, khắp các trang mạng liên tục xuất hiện những bài đăng chữa bệnh bằng mẹo, bằng nhiều loại thuốc không có kiểm chứng. Tin giả về số ca bệnh, tình hình cách ly ở các địa phương được cắt, lồng ghép logo của các đơn vị, cơ quan chức năng nhằm tăng cao tính xác thực cho “tin giả”. Những tin này đã gây hoang mang không ít cho dư luận, đẩy giá hàng hóa tăng cao, làm khan hiếm, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị và chống dịch.
Ở góc độ khác, tin giả là một công cụ hữu hiệu của những đối tượng mang tư tưởng chống đối thực hiện hành vi chống lại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các đối tượng thường xuyên lợi dụng các vụ việc, sự kiện nhạy cảm được công chúng quan tâm để đăng tin xuyên tạc sự thật, đổ lỗi cho các lãnh đạo và tuyên truyền những luận điệu thù địch nhằm mục đích kích động tư tưởng, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc.
Chính vì vậy, người dân cần tỉnh táo, chọn lọc trước mọi thông tin trên MXH. Tiếp nhận thông tin từ những trang báo chính thống, tránh bị nhiễu thông tin dẫn đến đưa ra những quyết định sai lầm, ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân và những người chung quanh.
Mặc dù đã có nhiều trường hợp bị công an tại các địa phương trên cả nước xử lý hành chính vì đăng tải nhiều thông tin sai sự thật với mục đích câu like làm nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần người dân cũng như công tác điều tra của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, tin giả vẫn “hoành hành”.
Đại diện Văn phòng luật sư Trung Hòa, luật sư Hoàng Tùng chia sẻ, cần có những chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn, cùng quy định chặt chẽ dành cho hành vi phát tán tin giả bằng cách tăng mức xử phạt hành chính và phạt tù đối với các cá nhân cố tình vi phạm. Một yếu tố nữa mà tin giả “lợi dụng” để tồn tại trên không gian mạng là hệ thống luật pháp bảo đảm an ninh mạng hiện nay còn chưa hoàn chỉnh, do đó công tác phát hiện, điều tra và xử lý còn nhiều khó khăn.
Luật sư Tùng cho biết thêm, căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi, cơ quan chức năng sẽ phân loại tin giả rồi tiến hành thẩm định, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 70 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù đến 12 năm tù.