Tháng 10/2024, Đoàn đại biểu cấp cao thành phố Hà Nội do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh dẫn đầu đã thực hiện các cuộc gặp làm việc, hoạt động khảo sát nhằm thúc đẩy hợp tác thiết thực giữa Hà Nội với các đối tác là địa phương, tổ chức và doanh nghiệp Nhật Bản.
Tại Thủ đô Tokyo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh đã tiến hành các cuộc hội kiến với Thống đốc Tokyo Koike Yuriko và Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) Ishiguro Norihiko.
Tại tỉnh Kanagawa, đoàn đã hội kiến với Thống đốc tỉnh Kanagawa, ký kết Bản ghi nhớ về thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội với chính quyền tỉnh Kanagawa.
Qua đó, hai bên đã trao đổi nhiều thông tin về tình hình kinh tế, xã hội nói chung và các cơ hội hợp tác trong một số dự án lớn. Trong đó, có dự án đầu tư xây dựng bệnh viện chất lượng cao, tiêu chuẩn Nhật Bản tại thành phố thông minh Bắc Hà Nội, xây dựng trường đại học mới trên địa bàn thành phố Hà Nội,… cũng như các lễ hội, chương trình xúc tiến hợp tác, giao lưu giữa các bên.
Hà Nội tận dụng lợi thế, thu hút đầu tư FDI
Theo Sở Nội vụ Hà Nội, đến nay, Hà Nội đã có quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, đã ký thỏa thuận hợp tác với nhiều thủ đô, thành phố các nước nhằm đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Hằng năm, thành phố Hà Nội đã đón tiếp khoảng 200 đoàn khách quốc tế thăm và làm việc với thành phố cũng như duy trì các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn các cấp. Không chỉ mở rộng hợp tác song phương, Hà Nội còn tham gia tích cực và là thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế lớn.
“Trong giới hạn nguồn lực hạn chế, thành phố Hà Nội đã tham gia các hoạt động, dự án hợp tác đa phương một cách có chọn lọc, xem đây là cơ hội không chỉ để trao đổi, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm, tìm kiếm các giải pháp đối với các thách thức chung hiện nay trong phát triển mà còn tranh thủ gặp gỡ, kết nối với các đối tác quốc tế nhằm thu hút thêm nguồn lực đầu tư phát triển cho Thủ đô”, lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội nhấn mạnh.
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô, thành phố Hà Nội đã tích cực và chủ động làm việc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng châu Á (ADB).
Nhiều dự án hợp tác song phương, đa phương được ký kết và triển khai có hiệu quả thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như đào tạo, xử lý môi trường, giao thông, cung cấp thiết bị và xử lý rác, cấp thoát nước, xây dựng, quy hoạch, quản lý đô thị…
Ngoại giao kinh tế đã góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài của thành phố.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2018 đến nay, Hà Nội luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước và thị trường hấp dẫn về thu hút FDI. Trong đó, năm 2023, Thủ đô thu hút hơn 2,85 tỷ USD vốn FDI.
Hà Nội là một trong 4 địa phương có số dự án FDI đầu tư mới nhiều nhất (chiếm tới 67,4% số dự án mới của cả nước).
Tính chung 10 tháng năm 2024, toàn thành phố thu hút 1,6 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, đăng ký cấp mới 233 dự án với số vốn đạt trên 1,1 tỷ USD; 160 lượt tăng vốn đầu tư với 184 triệu USD; 192 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 208 triệu USD.
Một loạt các sự kiện đối ngoại kinh tế quy mô lớn do thành phố Hà Nội chủ trì hoặc đăng cai tổ chức trên địa bàn hàng năm như Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và Phát triển, “Tọa đàm về phát triển thành phố thông minh với Bộ Thương mại Hoa Kỳ và 18 Tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ”, Hội nghị “Gặp gỡ Châu Âu”, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12 và Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt Nam và Trung Quốc… là các cơ hội để giới thiệu về tiềm năng hợp tác và chính sách ưu đãi của thành phố trong thu hút đầu tư, khẳng định cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo thành phố về tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến với Hà Nội.
Hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng được giới thiệu, quảng bá trong hệ thống siêu thị AEON tại Nhật Bản. |
Ngày càng nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia lớn đã và đang triển khai kế hoạch đầu tư hợp tác của mình tại Hà Nội như: Sumimoto, Nidec, AEON (Nhật Bản); IKEA (Thụy Điển); Gamuda (Malaysia); Lotte, Daewoo (Hàn Quốc)... là minh chứng cho thấy môi trường đầu tư và chính sách của thành phố đã được cải thiện, phát huy hiệu quả tốt, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp quốc tế.
Các chương trình xúc tiến thương mại, Tuần hàng Việt Nam-Hà Nội được lên kế hoạch tổ chức tại các thị trường nước ngoài tiềm năng, chứng tỏ được hiệu quả, tạo được tiếng vang lớn.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cho biết: “Chương trình “Tuần hàng Việt Nam-Hà Nội” được tổ chức thường niên từ năm 2016 tại hệ thống siêu thị AEON (Nhật Bản) đã góp phần mở đường cho hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam vào được hệ thống phân phối của tập đoàn bán lẻ hàng đầu này”.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, trong quá trình triển khai công tác đối ngoại kinh tế của thành phố vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Do hạn chế về nguồn lực và cách trở về vị trí địa lý, nhiều mối quan hệ mới chỉ dừng lại ở mức hữu nghị bước đầu, chưa khai thác hết tiềm năng hợp tác của hai bên.
Công tác đối ngoại địa phương hiện nay cũng đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới tư duy và phương thức thực hiện để thích ứng với tình hình chung của quốc tế và đất nước, bảo đảm quá trình hội nhập quốc tế cũng như thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững.
Sở Ngoại vụ Hà Nội cho biết, trong giai đoạn mới 2020-2025, tầm nhìn 2030, công tác đối ngoại Thủ đô xác định định hướng quan trọng là “Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô'” với các giải pháp trọng tâm.
Trong đó, thành phố chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng hội nhập quốc tế; tranh thủ cơ hội về vốn, công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm; chủ động nắm bắt những cơ hội, nhất là của các Hiệp định thương mại thế hệ mới, gần đây là Hiệp định thương mại Việt Nam-EU. Hà Nội tiếp tục củng cố quan hệ truyền thống, tích cực mở rộng hợp tác với các thủ đô, thành phố tiềm năng.