Hà Nội tận dụng lợi thế, thu hút đầu tư FDI

Nhận định nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là động lực quan trọng cho phát triển, thành phố Hà Nội đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để có thể thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới. Mới đây, Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua với nhiều cơ chế đặc thù mở thêm nhiều hướng phát triển cho thành phố, giúp Hà Nội tăng thêm sức hút đối với các nhà đầu tư lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn thành phố Hà Nội năm 2024.
Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn thành phố Hà Nội năm 2024.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư FDI từ đầu năm 2024 đến nay tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có lợi thế cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư… Trong đó, thành phố Hà Nội luôn nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Hàng loạt ưu đãi, cơ chế mở

Gần một năm sau khi tiếp nhận Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, thành phố Hà Nội tập trung phát triển khu công nghệ này thành nơi "đón sóng" đầu tư FDI cho những ngành công nghiệp mới, công nghệ cao đầy tiềm năng. Đến nay, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 109 dự án đầu tư (bao gồm 95 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.500 tỷ đồng.

Phó Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc Trần Đắc Trung cho biết, Ban quản lý đang tập trung xây dựng các danh mục để thu hút các dự án về phát triển hạ tầng xã hội cần thiết, đồng thời thường xuyên chủ động đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư. Hiện đã có nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư tại đây. Trong đó, với những dự án đầu tư quy mô lớn (tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng) được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp trong 30 năm thay vì 15 năm như trước đây.

Trong thời gian tới, dự kiến Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ ngày càng hoàn thiện và thu hút được nhiều nhà đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao. Theo kế hoạch, năm 2027, Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc sẽ đầu tư, hỗ trợ Việt Nam thành lập Phòng nghiên cứu vi mạch bán dẫn đặt tại đây nhằm góp phần phát triển bền vững ngành công nghiệp công nghệ bán dẫn tại Việt Nam.

Tháng 2 vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), Tập đoàn N&G và 10 doanh nghiệp hội viên Mạng lưới ngành hàng không vùng Kobe (Nhật Bản) đã ký thỏa thuận hợp tác thành lập Tổ hợp Techno Park Việt Nam-Nhật Bản tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội. Tổ hợp này là cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam liên kết sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, thế hệ mới như thiết bị điện, thiết bị cơ khí chính xác... phục vụ cho ngành công nghiệp hàng không vũ trụ.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản và các doanh nghiệp đầu tư tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có các cơ chế đặc thù. Cụ thể, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển như điện tử, cơ khí chế tạo, linh kiện ô-tô… được áp dụng thời gian thuê đất lên tới 70 năm. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 15 năm, trong đó miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong bốn năm đầu...

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong 7 tháng năm 2024, thành phố đã thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, đăng ký cấp mới 143 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD; 102 lượt tăng vốn đầu tư với 138 triệu USD; 118 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 77 triệu USD.

Lĩnh vực thu hút vốn nhiều nhất là kinh doanh bất động sản, tiếp theo là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thương mại, dịch vụ, xây dựng và khoa học công nghệ... Trong đó, dự án chung cư Lumi Hà Nội tại Đại lộ Thăng Long, quận Nam Từ Liêm do Tập đoàn Capital Land (Singapore) đầu tư với số vốn 662 triệu USD, là một trong những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất đăng ký vào Việt Nam từ đầu năm 2024 đến nay.

Tận dụng thời cơ để tăng tốc

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Ánh Dương, thành phố luôn quan tâm và dành những điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn FDI. Bên cạnh những cơ chế ưu đãi chung đã có, Luật Thủ đô mới còn mở ra nhiều cơ chế ưu đãi, chính sách hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư.

Đơn cử, với doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực được xác định "ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược" sẽ được thành phố miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; đồng thời, được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp; trong đó, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Năm 2024, thành phố Hà Nội phấn đấu thu hút khoảng 3,15 tỷ USD vốn FDI; trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 2,15 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ khoảng 1 tỷ USD. Năm 2025, thành phố tiếp tục thu hút khoảng 2,7 tỷ USD vốn FDI. Để đạt được con số này, thành phố cần có sự bứt phá hơn nữa trong thu hút đầu tư, bởi hiện Hà Nội còn nhiều rào cản khiến các nhà đầu tư nước ngoài "chần chừ" rót vốn.

Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) Kim Lập Quần trong buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội đã khẳng định, ngân hàng mong muốn tìm hiểu những cơ hội hợp tác trên địa bàn Thủ đô, sẵn sàng trở thành đối tác tin cậy với một chương trình hợp tác lâu dài. Tuy nhiên, Chủ tịch AIIB cũng đề nghị Hà Nội giảm sự phức tạp của thủ tục hành chính, hướng đến khai thác tối đa hiệu quả chi phí và hiệu suất hoạt động; nhấn mạnh các dự án sau khi được phê duyệt cần được thiết kế tốt, triển khai nhanh, hoàn thành đúng thời gian.

PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam góp ý, trong bối cảnh làn sóng dịch chuyển vốn FDI vào khu vực Đông Nam Á, để cạnh tranh với các địa phương khác, Hà Nội cần chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI.

Lãnh đạo các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ,… cũng khẳng định sẽ tích cực phối hợp với Hà Nội để triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội có thể thu hút các nhà đầu tư lớn.

Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan đề xuất triển khai, tổ chức kêu gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án theo Danh mục dự án thu hút đầu tư thành phố Hà Nội đợt 1 năm 2024; rà soát, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động,… để sẵn sàng đón nhận nhà đầu tư, tập đoàn lớn; đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trung và dài hạn.

Thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường năng lực cán bộ thực thi, tập trung cải cách thủ tục hành chính và bộ máy hành chính theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ; xử lý nhanh, đúng quy định pháp luật các thủ tục về đầu tư, kinh doanh; tuyệt đối không tùy tiện đặt ra các yêu cầu, điều kiện không phù hợp quy định pháp luật trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Thành phố Hà Nội đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị Đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, một trong sáu hội nghị đối thoại doanh nghiệp theo chuyên đề mà thành phố tổ chức trong năm 2024, nhằm kịp thời lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, thành phố sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô; khẩn trương tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), xây dựng một số chính sách đặc thù về tổ chức chính quyền đô thị, phân cấp, ủy quyền, thu hút trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao,… Điều này không chỉ giúp Hà Nội nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ và bền vững.