Mở rộng hợp tác hành lang kinh tế giữa Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Quảng Ninh với Vân Nam (Trung Quốc)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đến dự và chỉ đạo hội nghị. Phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Huy Tưởng - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố về kết quả hội nghị lần này.PV: Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết ý nghĩa kết quả hợp tác hành lang kinh tế năm tỉnh và thành phố giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc?

Ðồng chí Nguyễn Huy Tưởng: Vân Nam và Việt Nam có vị trí địa lý rất quan trọng, là khu vực cầu nối giữa vùng Ðại Tây Nam Trung Quốc có diện tích khoảng 1,8 triệu km2 và dân số gần 300 triệu người với khu vực Ðông - Nam Á gồm 10 nước ASEAN có dân số gần 600 triệu người. Năm 2010, khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN sẽ chính thức hình thành và đi vào hoạt động. Ðến nay, Vân Nam đã thiết lập cơ chế hợp tác với bốn tỉnh biên giới Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu và Ðiện Biên của Việt Nam, cơ chế Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Côn Minh, Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, cơ chế hợp tác tiểu vùng sông Mê Công (GMS). Sắp tới Chính phủ hai nước sẽ ký kết Bản Quy hoạch năm năm phát triển kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc và triển khai chương trình "Năm hữu nghị Việt  - Trung  2010". Gần đây lãnh đạo hai nước nhất trí cần quan tâm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa các tỉnh và thành phố của Việt Nam với các tỉnh khu vực Hoa Nam và Tây Nam của Trung Quốc. Hành lang kinh tế đã góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước. Nhiều chương trình dự án kinh tế quan trọng được triển khai, giao lưu qua các cửa khẩu, các khu kinh tế - thương mại trên biên giới ngày càng nhộn nhịp; kim ngạch thương mại không ngừng tăng lên, năm 2007 đạt 970 triệu USD; năm 2008 tuy bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế song vẫn đạt 645 triệu USD, đầu tư của Vân Nam vào Việt Nam đạt 115 triệu USD. Hằng năm có hàng trăm nghìn lượt người đi du lịch hoặc thăm viếng lẫn nhau; giao lưu văn hóa nhộn nhịp với nhiều hình thức sinh động, đến nay đã có 500 sinh viên Việt Nam sang học tập tại các trường đại học ở Vân Nam. Những thành quả hợp tác đó đã giúp cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các khu vực biên giới hai nước. Ðặc biệt, hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc cùng với các tỉnh biên giới phía bắc của Việt Nam trong những năm qua đã có những cống hiến quan trọng rất đáng biểu dương vào việc hoàn thành tốt đẹp toàn bộ công tác phân giới cắm mốc trên biên giới giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

PV: Xin đồng chí cho biết nội dung chính của hội nghị lần này?

Ðồng chí Nguyễn Huy Tưởng: Phát triển "Hai hành lang và một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc" là một thỏa thuận quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai nước nêu ra năm 2006, trong đó hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là một kế hoạch có tầm quan trọng chiến lược lâu dài, mang ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế, chính trị và xã hội đối với hai nước và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Hội nghị đã tổng kết, đánh giá tình hình và kết quả hợp tác giữa hai bên trong 5 năm qua, đặc biệt là từ Hội nghị lần thứ tư tổ chức tại Hạ Long, Quảng Ninh năm 2008 đến nay, làm rõ những tồn tại và trở ngại, trên cơ sở đó xác định những chương trình, dự án hợp tác trọng điểm cần ưu tiên thực hiện với mục tiêu và lộ trình rõ ràng, nhằm khai thác tốt nhất mọi tiềm năng và lợi thế của cả hai bên, đưa quan hệ hợp tác giữa Vân Nam với Việt Nam phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới. Lãnh đạo các địa phương và phía tỉnh Vân Nam đánh giá cao bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và thống nhất kế hoạch hợp tác năm 2010 và các năm tiếp theo vào những lĩnh vực quan trọng như: Hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại, hợp tác về giao thông vận tải, du lịch, giao lưu văn hóa.

PV: Thưa đồng chí, có điểm gì mới trong biên bản hợp tác lần này?

Ðồng chí Nguyễn Huy Tưởng: Có một số điểm mới trong hợp tác lần này, đó là:

Hợp tác xây dựng hệ thống trao đổi thông tin kịp thời, hiệu quả. Tăng cường thực hiện kiểm dịch hàng hóa, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cửa khẩu. Ngăn chặn việc vận chuyển, phân phối thực phẩm kém chất lượng, phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát, phòng, chống và xử lý lây lan của dịch bệnh qua biên giới. Thỏa thuận thúc đẩy trao đổi, liên kết đào tạo học sinh, sinh viên và cán bộ quản lý. Tạo điều kiện thuận lợi tổ chức các lớp học liên kết giữa các viện, các trường học. Vân Nam tiếp tục hỗ trợ các tỉnh của Việt Nam đào tạo lưu học sinh ở các bậc học, đào tạo các chuyên ngành: du lịch, diễn viên, giảng viên nghệ thuật, biên đạo múa...; đào tạo và nâng cao trình độ cán bộ quản lý hành chính nhà nước.

Trong lĩnh vực hợp tác nghiên cứu, các tỉnh, thành phố tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong việc nghiên cứu, trao đổi thông tin và dự báo diễn biến tình hình kinh tế khu vực và thế giới và những tác động đến nền kinh tế của các địa phương. Khuyến khích, ủng hộ các cơ quan nghiên cứu tích cực triển khai trao đổi học thuật, tạo cơ sở khoa học thúc đẩy khôi phục tăng trưởng kinh tế. Hợp tác nghiên cứu về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực: tài chính - tiền tệ, bất động sản, chứng khoán... Nghiên cứu các lĩnh vực trọng điểm cần đẩy mạnh phát triển trong thời kỳ hậu suy giảm kinh tế và cơ hội hợp tác giữa các thành viên trong Hành lang kinh tế.

Ðặc biệt, hai bên thỏa thuận phối hợp tổ chức tốt các hoạt động văn hóa thể thao - giao lưu... để chào mừng 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, Năm Hữu nghị Việt - Trung 2010 theo tinh thần lãnh đạo hai Ðảng, hai Nhà nước đã thống nhất.

Các địa phương của Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tích cực tham gia các hoạt động chào mừng Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ủng hộ bầu chọn Vịnh Hạ Long trở thành một trong bảy kỳ quan của thế giới. Có thể khẳng định, Hội nghị hợp tác giữa Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai với Vân Nam (Trung Quốc) đã thành công tốt đẹp.

PV: Xin cảm ơn đồng chí.

      TIẾN PHÚ
      (Thực hiện)