Theo báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, do tác động của dịch Covid-19, thị trường lao động của Tiền Giang biến động theo chiều hướng giảm. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động. Ước tính sáu tháng đầu năm, tỉnh chỉ giải quyết việc làm cho hơn 3.400 lao động, đạt 18,3% so với kế hoạch năm; lao động nghỉ việc, thất nghiệp tăng.
Về chính sách người có công, Tiền Giang thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách và đẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa. Hiện, tỉnh còn 156 hộ nghèo có thành viên là thuộc đối tượng người có công, dự kiến đến cuối năm các hộ này sẽ thoát nghèo.
Đối với công tác giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Tiền Giang giảm nhanh. Trong bốn năm (2016-2019), toàn tỉnh Tiền Giang giảm gần 17 nghìn hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh cuối năm 2019 còn 2,5%.
Riêng tình hình hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong giai đoạn 1, tỉnh đã chi hơn 216 tỷ đồng, giúp cho gần 200 nghìn đối tượng. Trong giai đoạn 2, tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động đăng ký.
Bên cạnh đó, tính đến cuối tháng 6-2020, toàn tỉnh Tiền Giang có gần 7.000 người nghiện có hồ sơ quản lý. Hiện, cơ sở cai nghiện ma túy đang quản lý cai nghiện cho 552 học viên (12 nữ), trong đó, học viên cai nghiện ma túy bắt buộc là 527 học viên, học viên cai nghiện ma túy tự nguyện là 18 học viên; học viên không nơi cư trú ổn định được các địa phương tạm gửi chờ xác minh, hoàn thiện hồ sơ đề nghị Tòa án xem xét bảy học viên.
Nói về việc quản lý học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy, UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, thời gian qua, công tác bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở cai nghiện gặp rất nhiều khó khăn. Học viên luôn thể hiện tính côn đồ hung hãn, phe cánh trong học viên, khi có vụ việc xảy ra thường hay tụ tập số đông và tự tạo bè phái sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, bất đồng; không báo cáo cán bộ quản lý, tự ý xử lý vụ việc theo cảm tính cá nhân gây mất an ninh trật tự tại cơ sở. Ngoài ra, cơ sở vật chất của cơ sở cai nghiện chưa bảo đảm bảo yêu cầu cho công tác quản lý, do vậy đã xảy ra một số trường hợp học viên gây rối, bỏ trốn tập thể.
Sau khi cơ sở cai nghiện ma túy “vỡ trận”, Tỉnh Tiền Giang đầu tư mở rộng xây mới hai khu nhà ở học viên, với sức chứa 780 chỗ và một khu cắt cơn. Cơ sở cai nghiện đã phân loại và bố trí cho học viên ở theo từng phòng riêng, cứ mỗi phòng từ 10-12 em và có một cán bộ phòng quản lý học viên trực tiếp quản lý, theo dõi.
Hiện nay, cơ sở cai nghiện có hơn 97% học viên nghiện các chất ma túy tổng hợp mới dạng Amphetamine (ATS), nhưng chưa có phác đồ đặc trị cho nhóm nghiện chất ma túy tổng hợp.
Phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, công tác an sinh xã hội được tỉnh Tiền Giang đặc biệt quan tâm trong thời gian qua; tỷ lệ giảm nghèo xuống còn 2,51%. Ngoài ra, chính sách người có công, đào tạo nguồn nhân lực, giải ngân tiền hỗ trợ do đại dịch Covid-19… được Tiền Giang thực hiện khá tốt.
Tại buổi kiểm tra cơ sở cai nghiện và phát biểu trực tiếp tại buổi làm việc, đồng chí Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Người nghiện ma túy ở tỉnh Tiền Giang tăng quá nhanh, gấp bảy lần chỉ trong thời gian ngắn. Lực lượng sử dụng ma túy ở địa phương này cũng ngày càng trẻ hóa. Tỉnh Tiền Giang cần phải quan tâm tìm hiểu nguyên nhân tăng nhanh và số lượng người sử dụng ma túy ngày càng trẻ. Thời gian tới, tỉnh cần học hỏi kinh nghiệm ở một số tỉnh, thành có cơ sở cai nghiện khác. Ngoài ra, cơ sở cần phân loại học viên cho rõ ràng, xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu gây rối trật tự và không để tiếp tục xảy ra tình trạng “vỡ trận” cơ sở như trước đây.