Hơn 170 nghìn tỷ mảnh nhựa đang nằm trong đại dương

NDO - Các nhà nghiên cứu đã đánh giá dữ liệu về nhựa đại dương và ước tính tổng số mảnh trong đại dương là 170 nghìn tỷ, với khối lượng khoảng 2 triệu tấn, và đang ngày càng tăng lên.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: Rosemary Calvert/Getty Images.
Ảnh: Rosemary Calvert/Getty Images.

Nghiên cứu được công bố ngày 8/3 trên tạp chí Plos One, do nhà khoa học Marcus Eriksen, Giám đốc nghiên cứu của Viện 5 Gyres, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa, đứng đầu.

Các nhà nghiên cứu đã đánh giá dữ liệu về ô nhiễm nhựa đại dương từ năm 1979 đến 2019, được thu thập từ 11.777 trạm trên khắp các khu vực biển Bắc Đại Tây Dương, Nam Đại Tây Dương, Bắc Thái Bình Dương, Nam Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải.

Các nhà nghiên cứu không chỉ ước tính hàng nghìn tỷ hạt nhựa, chủ yếu là hạt vi nhựa, đang trôi nổi trong đại dương, mà họ còn phát hiện ra có sự gia tăng nhanh chóng dạng ô nhiễm biển này kể từ năm 2005. Việc dọn dẹp và tái chế chất thải này sẽ không xuể.

Trong một tuyên bố, ông Eriksen nói: “Sự gia tăng theo cấp số nhân của vi hạt nhựa trên khắp các đại dương trên thế giới là một lời cảnh báo rõ ràng rằng chúng ta phải hành động ngay bây giờ trên quy mô toàn cầu, ngừng tập trung vào việc dọn dẹp và tái chế, đồng thời mở ra một thời đại doanh nghiệp chịu trách nhiệm đối với toàn bộ vòng đời của những thứ họ tạo ra”.

“Dọn dẹp là vô ích nếu chúng ta tiếp tục sản xuất nhựa với tốc độ hiện tại. Đã đến lúc giải quyết vấn đề nhựa tại nguồn”, nhà khoa học này cho biết.

Bài báo là bản cập nhật cho nghiên cứu trước đây từ Viện 5 Gyres ước tính ô nhiễm nhựa biển toàn cầu vào năm 2014, xác định rằng có hơn 5 nghìn tỷ mảnh nhựa trong đại dương. Các nhà nghiên cứu cho biết nếu không có hành động ngay lập tức như một biện pháp xử lý toàn cầu, có tính ràng buộc về mặt pháp lý, ô nhiễm nhựa sẽ chỉ tiếp tục gia tăng.

Năm ngoái, Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết chấm dứt ô nhiễm nhựa.

Trong bài báo, các nhà nghiên cứu viết rằng, hiệu quả của nghị quyết này sẽ phụ thuộc vào cam kết của các quốc gia thành viên và liệu nó có tập trung vào “vòng đời đầy đủ của nhựa, từ khai thác, sản xuất cho đến khi hết sử dụng hay không”.