Ngày 23/7, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học 50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn.
Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đồng chủ trì Hội thảo.
Ban tổ chức Hội thảo và các đại biểu tham dự dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: HẢI ĐĂNG) |
Tham dự Hội thảo còn có các đồng chí Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đại diện một số ban, ngành Thành phố, quận, huyện Hà Nội, các nhà khoa học, Ban Thư ký khoa học Hội đồng.
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về văn hóa và kết luận của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, hướng tới kỷ niệm 50 giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (1975-2025). Đồng thời, các tham luận, ý kiến tại Hội thảo hướng đến chỉ rõ thuận lợi, thời cơ, khó khăn và giải pháp, kiến nghị đề xuất đối với việc tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công tác đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn Hội thảo. (Ảnh: HẢI ĐĂNG) |
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh nhấn mạnh, 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn.
Bên cạnh đó, văn hóa vẫn chưa thực sự được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý văn hóa có lúc còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, chưa đạt hiệu quả cao.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra yêu cầu phải “phân tích sâu sắc các nguyên nhân này để tìm cách khắc phục, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chấn hưng và phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời gian tới” và nhấn mạnh việc “sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hoá đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hoá, xây dựng con người”; “phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hoá”.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Đảng bộ Hà Nội luôn coi trọng và xác định văn hóa là nền tảng, nhiệm vụ trọng tâm trong các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển văn hóa, con người Thủ đô.
Thông qua Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Phong mong muốn Hội thảo sẽ cung cấp thêm các luận cứ quan trọng để Đảng bộ Thành phố Hà Nội nghiên cứu, xây dựng văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ Thành phố Hà Nội trong thời gian tới một cách bài bản, chất lượng.
Với tinh thần dân chủ, cởi mở, tâm huyết, trách nhiệm cao, các đại biểu tham dự hội thảo đã sôi nổi phát biểu tập trung vào các nội dung trọng tâm: những thành tựu, hạn chế và những nguyên nhân của thành tựu, hạn chế trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc qua 50 năm thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; đánh giá thực trạng việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc 50 năm qua; những vấn đề đặt ra hiện nay và định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời gian tới.