Khai mạc Festival Huế 2016:

Đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc

NDO -

NDĐT - Tối 29-4, Festival Huế 2016 với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân -Thừa Thiên Huế" đã chính thức khai mạc tại Quảng trường Ngọ Môn – Kỳ đài Huế.

Một tiết mục biểu diễn tại lễ khai mạc.
Một tiết mục biểu diễn tại lễ khai mạc.

Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, các tỉnh, thành phố trong nước; các Đại sứ, Tổng lãnh sự; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các nhân sĩ, trí thức, tôn giáo cùng hơn 20 nghìn du khách và nhân dân địa phương tham dự.

Đọc diễn văn khai mạc lễ hội, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho biết: Diễn ra từ ngày 29-4 đến 4-5, Festival Huế 2016 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế” tiếp tục quảng bá hình ảnh của một Cố đô đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, thể hiện sự năng động, trẻ trung trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Bạn bè và du khách sẽ có cái nhìn đa chiều hơn về văn hóa Huế, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của Huế và các địa phương trong vùng phát triển ngày một bền vững hơn; để du khách luôn nhớ những giây phút kỳ thú mà bình yên, mới mẻ mà thân thuộc, thoải mái và ấm tình người cùa vùng đất Cố đô.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng: Festival Huế đã trở thành một sự kiện văn hóa lớn và lễ hội đặc sắc thường kỳ được dư luận quan tâm và thu hút ngày càng đông hơn sự tham dự của người dân từ mọi miền của đất nước cũng như khách quốc tế đến từ khắp năm châu. Festival Huế 2016 càng có ý nghĩa khi được tổ chức đúng dịp kỷ niệm “710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế” và “380 năm đô thị Huế”.

Đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc ảnh 1

Tiết mục biểu diễn của đoàn Trung Quốc.

Festival Huế đã trở thành một biểu tượng của hội nhập quốc tế về văn hóa của Việt Nam và là nơi nhiều nước, nhiều tổ chức và nhà hoạt động văn hóa các nước hướng đến để giới thiệu về tổ chức, đất nước, nền văn hóa của mình và bày tỏ mong muốn tăng cường giao lưu, phát triển hợp tác văn hóa với Việt Nam.

Từ năm 2000, khi lễ hội với tên gọi chính thức Festival Huế được tổ chức lần thứ nhất, Festival Huế đã trở thành một thành tố quan trọng của các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của tỉnh Thừa Thiên - Huế mà mà còn của cả nước, đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thực thi các chính sách của Nhà nước về việc bảo tồn và phát huy các di sản, các giá trị truyền thống của Việt Nam.

Cùng với các hoạt động của Festival, TP Huế đang diễn ra cuộc họp đầu tiên của Mạng lưới các thành phố văn hóa khu vực Đông Á - Mỹ La tinh. Việc hình thành mạng lưới các thành phố văn hóa là một sáng kiến của Việt Nam nhằm thúc đẩy giao lưu và hợp tác văn hóa hướng tới các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030. Việc tổ chức các diễn đàn quốc tế tại Huế sẽ góp phần nâng cao sức hút của cố đô cổ kính đang được hiện đại hóa trong sự giữ gìn và phát huy thành công giá trị của các di sản của Việt Nam và thế giới ở đây.

Sau các nghi thức khai mạc, đã diễn ra chương trình bắn pháo hoa và chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề “Huế mãi đẹp và thơ” với sự tham gia của 600 diễn viên trong nước và quốc tế. Các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian Thừa Thiên - Huế được khai thác triệt để. Những nhân vật lịch sử gắn liền với vùng đất Cố đô như: Huyền Trân công chúa, vua Duy Tân, các nhà yêu nước Thái Phiên, Trần Cao Vân…được khắc họa bằng ngôn ngữ nghệ thuật.

Sân khấu đêm khai mạc được thiết kế không quá cầu kỳ, nhiều chi tiết nhưng vẫn hoành tráng, rực rỡ khi được cộng hưởng, tôn vinh vẻ đẹp uy nghi của lầu Ngũ Phụng và Quảng trường Ngọ Môn. Trong không gian ấy, chất liệu văn hóa di sản Cố đô Huế được tỏa sáng trong Âm sắc hội Cố đô, Trầm tích thơ Huế, Lục triệt Hoa Mã Đăng…; được hòa quyện trong dòng chảy di sản văn hóa Việt Nam, từ đất Thăng Long - Hà Nội đến miền đất mũi phương nam; được kết nối với văn hóa quốc tế, mà đại diện là các bạn Nga, Nhật Bản, Trung Quốc và Israel.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Festival Huế 2016 kết thúc bằng màn trình diễn bắn pháo hoa tầm cao, mở ra một chuỗi hoạt động phong phú, đa dạng diễn ra liên tục trong sáu ngày đêm, hứa hẹn mang đến nhiều cảm xúc mới lạ, hấp dẫn cho du khách và bạn bè quốc tế.