Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

NDO - Sáng 28/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc.
Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Trong thời gian gần đây, một số luật được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới thay thế, như: Bộ luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công...

Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, các luật trên có nhiều nội dung quy định liên quan đến Luật Nhà ở năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung dẫn đến sự không thống nhất trong các quy định của Luật Nhà ở hiện hành với các luật này.

Do đó, việc rà soát, điều chỉnh, sửa đổi các quy định có liên quan trong Luật Nhà ở năm 2014 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật là rất cần thiết.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị góp ý cho dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)...

Về vấn đề nhà ở xã hội, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nhà ở xã hội là vấn đề khó, nhất là khi giá nhà ở thương mại quá cao như hiện nay.

Mọi ưu đãi của Chính phủ đều mang lại lợi ích rất lớn. Quản lý nhà ở xã hội không tốt sẽ dẫn đến những hình thức tham nhũng khác nhau mà mục tiêu chính không đạt được.

Ông đưa ra kiến nghị, các thủ tục quản lý đối với khu vực các dự án nhà ở xã hội cần đi theo hướng cải cách thủ tục hành chính, có như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư.

Nói cách khác, cần quy định ngay trong luật các thủ tục hành chính đơn giản đối với các dự án nhà ở xã hội. Theo đó, cần bổ sung mục Nhà ở xã hội vùng nông thôn, trong đó quy định về chính sách giải quyết đất ở, nhà ở cho các trường hợp tách hộ nông dân.

Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, thống kê cả nước có gần 2.467 chung cư cũ (xây dựng trước năm 1994), trong số này 25% là nguy hiểm, xuống cấp, nhưng đến nay mới chỉ cải tạo được 3%.

Ngoài 2 mô hình hình thức thực hiện cải tạo chung cư cũ (nhà nước, doanh nghiệp), Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm đề nghị nghiên cứu thêm mô hình Cộng đồng các hộ dân liên kết thực hiện. Đây là mô hình đã thành công ở Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc.