Bắc Ninh gỡ "rào cản" chính sách để phát triển nhà ở xã hội

NDO - Với khoảng 150 nghìn công nhân đang lưu trú trên địa bàn, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã, đang tập trung triển khai các chính sách phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh những cơ chế hỗ trợ đã được ban hành nhằm khuyến khích nhà ở xã hội cho các đối tượng người lao động, người thu nhập thấp khó khăn về nhà ở, cơ quan ban ngành ở trung ương, và địa phương cần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để phát triển nhà ở xã hội toàn diện hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án nhà ở xã hội Hoàng Gia tại thành phố Bắc Ninh. Dự án nhà ở xã hội này do Công ty TNHH Hoàng Gia đầu tư xây dựng, gồm 2 tòa nhà 19 tầng với tổng số 540 căn hộ.
Dự án nhà ở xã hội Hoàng Gia tại thành phố Bắc Ninh. Dự án nhà ở xã hội này do Công ty TNHH Hoàng Gia đầu tư xây dựng, gồm 2 tòa nhà 19 tầng với tổng số 540 căn hộ.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, trong giai đoạn từ 2015 đến nay công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.

Cầu vượt quá cung

Tỉnh Bắc Ninh hiện có 51 dự án nhà ở xã hội đã và đang được triển khai, với tổng diện tích đất 156,93 ha, tổng diện tích sàn khoảng 3.931.992m2, với 46.290 căn hộ, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 189.459 người.

Trong đó, có 22 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 106,13ha với 30.652 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 114.085 công nhân (hiện có 16 dự án đã hoàn thành và đang xây dựng).

Số dự án nhà ở xã hội dành cho các đối tượng khác là 29 dự án, tổng diện tích đất khoảng 50,8ha, với khoảng 15.638 căn hộ, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 75.374 người (22 dự án đã hoàn thành và đang xây dựng).

Dự kiến giai đoạn 2021-2030, với khoảng 80 nghìn căn hộ được hoàn thiện, tỉnh Bắc Ninh sẽ đáp ứng được chỗ ở cho khoảng 260 nghìn người.

Tuy nhiên, dựa trên kết quả khảo sát và thống kê, số lượng người lao động có thu nhập thấp và các nhóm đối tượng có nhu cầu về nhà ở xã hội trên toàn tỉnh hiện nay đã là hơn 230 nghìn người.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho biết, các sở ngành liên quan sẽ tích cực điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời sẽ thúc đẩy tiến độ, có biện pháp xử lý đối với các dự án chậm, dự án đầu tư xây dựng còn thiếu đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để có thể đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội của người dân nhanh nhất và tốt nhất.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có gần 150 nghìn công nhân đang lưu trú, hiện có khoảng 73,81% hiện đang ở trọ tại các khu nhà ở do người dân tự xây dựng; 26,19% công nhân đang ở tại các khu nhà ở công nhân tập trung theo dự án.

Bắc Ninh gỡ "rào cản" chính sách để phát triển nhà ở xã hội ảnh 1

Trẻ em chơi ở một căn hộ trong khu nhà ở xã hội Hoàng Gia tại thành phố Bắc Ninh.

Trong khi đó, 22 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân đã được hoàn thành và đi vào hoạt động, dự báo sẽ đáp ứng được khoảng 76% nhu cầu chỗ ở của người lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Đình Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư & Giáo dục Đông Dương, đơn vị chủ đầu tư của khu nhà ở xã hội Đông Dương chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong triển khai nhà ở xã hội chính là xác định đúng đối tượng để được hưởng chính sách về nhà ở xã hội. Theo Nghị định số 49/2021/NĐ-CP: nhà ở xã hội tại khu công nghiệp là nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu của hộ gia đình, cá nhân làm việc tại khu công nghiệp.

“Với khái niệm này, việc xác định đối tượng được thụ hưởng nhà ở công nhân gặp phải nhiều vướng mắc. Do vậy cần định nghĩa lại khái niệm, đối tượng được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội dành cho công nhân để phù hợp với thực tế địa phương hiện nay”, ông Tân nhấn mạnh.

Chị Tống Xuân Mận, cư dân đang sinh sống tại chung cư nhà ở xã hội Hoàng Gia cho biết, gia đình đã được mua căn hộ 70m2 từ đầu năm 2021 với số tiền khoảng 700 triệu đồng. Hiện cả gia đình chị Mận đều cảm thấy hài lòng với môi trường, mức phí dịch vụ thấp (khoảng 4000 đồng/m2) và tiện ích quanh khu nhà ở xã hội. “Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người lao động tại khu công nghiệp chưa thể sở hữu nhà ở xã hội, do họ không đáp ứng đủ tiêu chí về đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội-phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Thực tế, nhiều người quen của tôi phải đóng thuế từ nguồn thu làm tăng ca, làm thêm giờ; hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nhưng không đủ điều kiện để được mua nhà ở xã hội”, chị Mận chia sẻ thêm.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 53 Luật Nhà ở xác định hình thức doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ vốn mua, thuê nhà ở để cho người lao động trong đơn vị mình thuê là một hình thức phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trong quy định của Luật Nhà ở và các Nghị định của Chính phủ không có hành lang pháp lý cho hình thức phát triển nhà ở xã hội này. Thực tế, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay, nhu cầu thuê/mua nhà ở xã hội cho công nhân của các doanh nghiệp là rất lớn, nhưng không thể thực hiện được.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, hiện nhu cầu vay vốn của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, trong giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh là khoảng 40 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, khoảng 30 nghìn căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho 110 nghìn người).

Bên cạnh đó, ý kiến của nhiều chuyên gia bất động sản cho thấy, dù được hưởng nhiều ưu đãi nhưng doanh nghiệp vẫn thờ ơ với các dự án phát triển nhà ở xã hội. Nguyên nhân chính là do lĩnh vực này có lợi nhuận thấp, trong khi đó doanh nghiệp cần phải đầu tư nhiều vốn. Ngoài ra, đơn vị chủ đầu tư thường phải đối mặt với nhiều khó khăn về cơ chế trong thủ tục, giá bán và kênh phân phối.

Ngoài ra Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đề xuất, kiến nghị bổ sung những cơ chế, chính sách nhằm gỡ khó cho việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung bổ sung đối tượng thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội theo các khoản 1, 4, 5, 6, 7, 8, 10 Điều 49 của Luật Nhà ở được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở xã hội phục vụ khu công nghiệp.

Để phát triển nhà ở xã hội theo mục tiêu đã đặt ra, tỉnh Bắc Ninh cần xây dựng, đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp; đồng thời triển khai các giải pháp thu hút đầu tư, tăng cường phối hợp với ngân hàng chính sách để nhà ở xã hội đến được với người dân, người lao động một cách thiết thực, kịp thời và hiệu quả.

Tính đến nay, cả nước đã có 276 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị được hoàn thành với tổng diện tích hơn 7,3 triệu m2. Trong đó, nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 122 dự án, với tổng diện tích khoảng 2,7 triệu m2 sàn.

Bộ Xây dựng hiện đang trong quá trình dự thảo Đề án, với mục tiêu đến năm 2030 trên cả nước hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Đồng thời, để giải quyết một số tồn tại, vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó đã sửa đổi các quy định cụ thể hơn về trình tự thủ tục, hồ sơ chứng minh đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.