Hội thảo: ChatGPT với Báo chí truyền thông-cơ hội và thách thức

NDO - Chiều 1/3, Báo Tuyên Quang phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội thảo “ChatGPT với Báo chí truyền thông-cơ hội và thách thức”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo nhằm giúp những người làm báo của các cơ quan báo chí tại tỉnh Tuyên Quang nói riêng và những người làm báo cả nước nói chung nhận diện rõ những cơ hội và thách thức khi ứng dụng ChatGPT trong công việc làm báo.

Trong thời đại số hóa hiện nay, truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải thông tin đến công chúng. Cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, các hệ thống chatbox, ChatGPT đang ngày càng phổ biến.

Tuy nhiên, việc ứng dụng ChatGPT đang đặt ra nhiều thách thức và cơ hội nhất là đối với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí.

Trong báo chí, ChatGPT có thể giúp tự động hóa nội dung, tạo ra nội dung tự động một cách nhanh chóng, tiết kiệm chi phí. Bên cạnh những cơ hội, việc sử dụng ChatGPT trong truyền thông cũng mang nhiều thách thức như việc tìm hiểu ngôn ngữ tự nhiên còn gặp nhiều khó khăn có thể dẫn đến những lỗi thông tin hoặc thông tin không chính xác.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề liên quan đến ứng dụng ChatGPT vào công việc làm báo như tăng tương tác với độc giả qua ChatGPT; vấn đề liên quan đến độ tin cậy của ChatGPT; vấn đề cạnh tranh của các nhà báo trong bối cảnh xuất hiện của ChatGPT; bàn về khía cạnh bản quyền, sở hữu trí tuệ và góc nhìn công nghệ an ninh truyền thông; những vấn đề liên quan đến quyền riêng tư của người dùng.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí là công cụ tốt, sử dụng tính ưu việt của ChatGPT và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ trong hoạt động nghiệp vụ như tóm tắt nội dung văn bản và tài liệu lớn, tạo nội dung với chủ đề mà người dùng không quen hoặc đang tìm kiếm ở góc nhìn mới; gợi ý chủ đề, đề tài phù hợp hoặc xác định nhiều hướng dư luận xã hội và nhu cầu công chúng, tìm kiếm câu trích dẫn từ một nhân vật nào đó; dịch thuật nội dung từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác; gợi ý kịch bản, nhân vật phỏng vấn…

Sử dụng ChatGPT trong báo chí truyền thông đã thúc đẩy hoạt động báo chí phải đổi mới, sáng tạo để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cộng đồng, nâng cao chất lượng, công khai, minh bạch trong truyền thông, nghiên cứu và sáng tạo nhiều sản phẩm báo chí phù hợp.

Tuy nhiên, ChatGPT cũng tiềm ẩn nguy cơ về thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả, thách thức lớn từ góc nhìn an ninh truyền thông.

ChatGPT dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng cũng chỉ là một công cụ mà nhà báo phải học hỏi để làm chủ, sử dụng để phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của mình nhằm tạo ra tác phẩm, sản phẩm báo chí theo nguyên tác nghề nghiệp.

ChatGPT có thể là công cụ đắc lực cho công tác biên tập, sản xuất báo chí tự động nhưng nó không thể thay thế được các nhà báo khi sản xuất trực tiếp tại hiện trường.

Do đó, để làm chủ được ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo khác, mỗi nhà báo cần phải trau dồi năng lực, phẩm chất, học hỏi để làm chủ công nghệ chứ không để công nghệ dẫn dắt và làm chủ.