Học hỏi mô hình Khu phức hợp đổi mới sáng tạo Paris-Saclay (Pháp)

NDO - Khu phức hợp Paris-Saclay ở ngoại ô phía Paris là lá cờ đầu trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp của Pháp và nước ngoài, được kỳ vọng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Jeremy Herve, Giám đốc Sáng tạo và Phát triển kinh tế Cơ quan phát triển công Paris-Saclay EPA giới thiệu về mô hình dự án Paris-Saclay. (Ảnh: MINH DUY)
Ông Jeremy Herve, Giám đốc Sáng tạo và Phát triển kinh tế Cơ quan phát triển công Paris-Saclay EPA giới thiệu về mô hình dự án Paris-Saclay. (Ảnh: MINH DUY)

Ngày 7/3, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng và Trưởng bộ phận xúc tiến đầu tư tại Pháp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đào Quốc Cương đã tới thăm tòa nhà Playground Paris-Saclay tại thành phố Palaiseau ở ngoại ô phía Tây Nam thủ đô Paris.

Nằm trong khu tập trung nhiều cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghiệp công nghệ cao lớn nhất nước Pháp, tòa nhà Playground Paris-Saclay rộng 6.800 m2 được chia thành sáu tầng.

Tòa nhà được thiết kế dành riêng cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp vừa và nhỏ, với nhiều không gian khác nhau như văn phòng khép kín, không gian làm việc chung, phòng họp, không gian tổ chức sự kiện… Đặc biệt, không gian trưng bày tổng quan dự án Khu phức hợp Paris-Saclay tại tòa nhà trong năm 2023 tiếp đón gần 1.000 lượt khách tham quan, trong đó 40% là khách quốc tế tới tham khảo, nghiên cứu và học hỏi.

Theo ông Jeremy Herve, Giám đốc Sáng tạo và Phát triển kinh tế Cơ quan phát triển công Paris-Saclay EPA, Khu phức hợp Paris-Saclay hoạt động vì lợi ích quốc gia. Đây là một dự án nhằm tạo ra một trung tâm khoa học và công nghệ cao đẳng cấp thế giới, cho phép tập hợp các cộng đồng start-up đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp vừa và nhỏ để có thể cùng nhau nghiên cứu và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế. Nơi đây tập hợp các đối tác nghiên cứu học thuật và nghiên cứu tư nhân về R&D, công nghiệp và các giải pháp đổi mới.

Khu phức hợp Paris-Saclay hiện đang nghiên cứu ở sáu lĩnh vực công nghiệp chính, gồm công nghệ thông tin - truyền thông, vận tải, quản lý năng lượng thông minh, nông nghiệp, y tế và không gian vũ trụ - an ninh quốc phòng.

Bên cạnh công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, điện toán, hiệu suất, trí tuệ nhân tạo cũng là thế mạnh của Khu phức hợp Paris-Saclay, hỗ trợ được các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sinh thái.

Ông Jeremy Herve cũng cho biết, tại đây hiện đang có nhiều loại hình dự án khác nhau, có những dự án chưa phải là dự án kinh doanh mà mới chỉ là ý tưởng khoa học từ các nhà nghiên cứu. Các dự án như vậy đòi hỏi một sự hợp tác hiệu quả giữa các trường đại học hàng đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các quốc gia.

Học hỏi mô hình Khu phức hợp đổi mới sáng tạo Paris-Saclay (Pháp) ảnh 1

Bà Sylvaine Neveu, Giám đốc Phát triển và Đối tác doanh nghiệp, Trường đại học Bách khoa Paris (IP Paris). (Ảnh: MINH DUY)

Về phía mình, bà Sylvaine Neveu, Giám đốc Phát triển và Đối tác doanh nghiệp, Trường đại học Bách khoa Paris (IP Paris) chia sẻ: “Trường Đại học Bách khoa Paris là một trong những đối tác dự án cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Khu phức hợp Paris-Saclay. Trong vòng 20 năm qua, trường IP Paris đã huy động được một mạng lưới hiệu quả gồm 45 sinh viên, 15 tiến sĩ, 152 kỹ sư là những cựu sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam theo học tại Pháp trong các dự án hợp tác đào tạo song bằng.”

Đặc biệt, trong năm 2023, Trường Đại học Bách khoa Paris đã ký kết một biên bản ghi nhớ với Viện Nghiên cứu cao cấp Toán học Việt Nam (VIASM) nhằm tăng cường sự trao đổi hợp tác giáo dục cho các học viên thuộc trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.

Học hỏi mô hình Khu phức hợp đổi mới sáng tạo Paris-Saclay (Pháp) ảnh 2

Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm xây dựng các khu công nghệ đổi mới sáng tạo theo mô hình của Pháp. (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Đánh giá cao Khu phức hợp Paris-Saclay là một hình mẫu đáng học hỏi trong việc đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng sản xuất, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho rằng hai bên hoàn toàn có thể cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong việc phát triển hệ sinh thái hài hòa và hiệu quả giữa các cơ sở đào tạo, nhà nghiên cứu và người sản xuất.

Những mô hình tương tự nếu được triển khai tại Việt Nam có thể cộng hưởng được tất cả mọi nguồn lực từ Nhà nước, khu vực tư nhân, các cơ sở đào tạo và cả nguồn lực từ nước ngoài trong việc hợp tác nghiên cứu hướng tới tương lai.