Hoạt hình Wolfoo 3D và Wolfoo Game của Việt Nam bị đánh bản quyền ngoài phạm vi tranh chấp

NDO - Mới đây, Sconnect Việt Nam - đơn vị sản xuất loạt phim hoạt hình trẻ em nổi tiếng Wolfoo, đã tiếp tục gửi văn bản tới các cơ quan chức năng về diễn biến mới nhất liên quan tới vụ tranh chấp bản quyền giữa hai bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo (Sconnect sở hữu) và Peppa Pig (eOne tại Anh sở hữu). Hiện nay, nhãn hiệu Wolfoo đã được đăng ký thành công tại Nga và Việt Nam, đang chờ thẩm định tại châu Âu và Mỹ, nhưng sản phẩm của Sconnect Việt Nam tiếp tục bị đánh bản quyền thiếu căn cứ, gây thiệt hại nhiều triệu USD.
0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo do Sconnect Việt Nam sở hữu bản quyền. (Ảnh: Sconnect Việt Nam)
Hình ảnh bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo do Sconnect Việt Nam sở hữu bản quyền. (Ảnh: Sconnect Việt Nam)

Cụ thể, theo nội dung Sconnect vừa báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; Hội Truyền thông số Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam, đơn vị này và eOne (Entertaiment One UK - gọi tắt là eOne hay EO) đã và đang khởi kiện lẫn nhau tại Tòa án các nước Nga, Anh và Việt Nam.

Trong đơn kiện tại Tòa án Anh, eOne chỉ khiếu kiện 91 video Wolfoo, nhưng đã đánh bản quyền khiến YouTube gỡ 3.500 video Wolfoo (trong đó hầu hết là các video không liên quan tới vụ khiếu kiện), đồng thời đánh bản quyền cả các sản phẩm không nằm trong phạm vi vụ kiện là phim hoạt hình Wolfoo 3D và chương trình máy tính Wolfoo Game.

Doanh nghiệp Việt chịu nhiều thiệt hại vì bị đánh bản quyền thiếu căn cứ

Trong vụ tranh chấp bản quyền kéo dài gần 2 năm qua, Tòa án tại Nga đã xét xử và đưa ra phán quyết vào tháng 7/2022. Theo đó, không có kết luận nào về việc Wolfoo vi phạm bản quyền của Peppa Pig. Hiện nay, Tòa án tại Anh và Việt Nam đang trong quá trình thụ lý và chưa đưa ra xét xử, chưa có bất cứ phán quyết nào của Tòa án tuyên bố rằng Sconnect vi phạm và hình ảnh thể hiện trong phim hoạt hình Wolfoo được coi là sao chép từ phim hoạt hình Peppa Pig.

Trong vụ kiện tại Tòa án cấp cao Vương quốc Anh, eOne cáo buộc Sconnect có các vi phạm bản quyền trong 91 video ở các nội dung: Bộ nhân vật Wolfoo là đạo nhái ý tưởng của Bộ nhân vật Peppa Pig; Sử dụng hình ảnh Peppa Pig trong video Wolfoo; Sử dụng âm thanh sao chép từ Peppa Pig trong Video Wolfoo; Sử dụng tên “Peppa Pig” trong tiêu đề video Wolfoo và Hình nền/background sao chép của Peppa Pig.

Mặc dù đưa ra các cáo buộc này, nhưng cho đến nay eOne vẫn chưa cung cấp được bất cứ chứng cứ nào xác định được tác phẩm Peppa Pig nào của mình bị xâm phạm bản quyền và cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh cho quyền sở hữu của eOne đối với các tác phẩm trong suốt thời gian khởi kiện vài năm qua, mặc dù Sconnect đã yêu cầu và khiếu nại với tòa án Vương Quốc Anh về vấn đề này.

Hoạt hình Wolfoo 3D và Wolfoo Game của Việt Nam bị đánh bản quyền ngoài phạm vi tranh chấp ảnh 1

Một số hình ảnh đang tranh chấp của hai bộ hoạt hình Wolfoo và Peppa Pig. (Ảnh: Sconnect Việt Nam)

Tuy nhiên, đầu tháng 11/2023, eOne đã đánh gậy bản quyền cho âm thanh "Hurray" (có thời lượng 0,1 giây) được sử dụng trên các nội dung của phim hoạt hình Wolfoo 3D. Điều đáng nói ở đây là phiên bản Wolfoo 3D là một sản phẩm sáng tạo riêng biệt, không liên quan tới những hình ảnh, âm thanh đang tranh chấp trong bộ phim hoạt hình Wolfoo 2D của Sconnect.

“Các video Wolfoo có chứa các yếu tố mà eOne cáo buộc cũng đã bị YouTube xóa và không còn tồn tại trên nền tảng. Mặc dù chưa có Tòa án nào ra phán quyết, song những video Wolfoo sản xuất mới từ khi vụ tranh chấp xảy ra đã được Sconnect chủ động, rà soát loại bỏ hết các yếu tố đang còn tranh chấp để hạn chế rủi ro, song tới nay eOne vẫn tiếp tục đánh bản quyền các video không liên quan tới vụ kiện tại Anh”, đại diện Sconnect nhấn mạnh.

Hiện tại, các âm thanh mà Sconnect đang sử dụng trong các video phim hoạt hình Wolfoo không có bất kỳ liên quan nào đến các âm thanh được nhắc đến trong vụ kiện tại Vương quốc Anh. Sconnect có đầy đủ bản ghi gốc, hợp đồng và chứng từ thanh toán tiền thuê các diễn viên nhí thu âm lời thoại, âm thanh cho phim hoạt hình Wolfoo.

Đại diện Sconnect Việt Nam cho biết: “eOne đã lạm dụng công cụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên YouTube để đánh bản quyền hàng nghìn video Wolfoo không nằm trong phạm vi của vụ kiện tại Tòa án cấp cao Vương quốc Anh, dẫn tới thiệt hại vô cùng lớn cho Sconnect, ước tính chúng tôi đã bị thiệt hại lên tới hơn 10 triệu USD do việc bị gỡ bỏ 3.500 video vô căn cứ”.

Đây không phải lần đầu tiên eOne đánh bản quyền những sản phẩm không liên quan tới vụ tranh chấp bản quyền giữa Wolfoo và Peppa Pig.

Cuối năm 2022, eOne khiếu nại bản quyền với các sản phẩm chương trình máy tính Wolfoo Game trên App Store (mặc dù Wolfoo Game không phải là đối tượng tranh chấp bản quyền trong vụ eOne kiện Sconnect tại Tòa án cấp cao Vương quốc Anh). Sau khi Sconnect gửi hồ sơ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của chương trình máy tính Wolfoo Game cho bộ phận pháp lý của App Store, nền tảng này đã không chấp nhận khiếu nại của eOne.

Tại châu Âu, eOne đã phản đối toàn bộ các đơn đăng ký nhãn hiệu Wolfoo, song vào ngày 28/7/2023 Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Liên minh châu Âu (EUIPO) đã ra quyết định lần 1 về việc bác bỏ lập luận của eOne về việc phản đối đăng ký nhãn hiệu của Sconnect.

Sconnect thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích đúng pháp luật

Về đăng ký bản quyền tác giả, bộ nhân vật Wolfoo đã thực hiện đăng ký quyền tác giả kịch bản, bộ nhân vật, hình ảnh nghệ thuật tại Mỹ, Việt Nam và một số quốc gia khác. Hiện nay, nhãn hiệu Wolfoo đã được đăng ký thành công tại Nga và Việt Nam, đang chờ thẩm định tại châu Âu và Mỹ.

Hoạt hình Wolfoo 3D và Wolfoo Game của Việt Nam bị đánh bản quyền ngoài phạm vi tranh chấp ảnh 2

Hoạt hình Wolfoo do Sconnect Việt Nam sản xuất đạt khoảng 3 tỷ lượt xem mỗi tháng, phát hành trên nhiều nền tảng số toàn cầu. (Ảnh chụp màn hình)

Trong suốt 2 năm theo đuổi các vụ khiếu kiện vi phạm bản quyền, Sconnect đã gửi văn bản báo cáo tới Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; Hội Truyền thông số Việt Nam để báo cáo và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ liên hệ, làm việc với YouTube và Google để yêu cầu đơn vị này chấm dứt việc gỡ bỏ video của Sconnect một cách vô căn cứ, khi chưa có bất cứ bản án nào tuyên các nội dung Wolfoo vi phạm bản quyền.

Cụ thể, Hội Truyền thông số Việt Nam đã hai lần gửi văn bản cho Google đề nghị xem xét một cách khách quan, kỹ lưỡng, ngừng tiếp nhận các yêu cầu đánh bản quyền các video Wolfoo trong thời gian Tòa án các nước đang thụ lý giải quyết vụ tranh chấp.

Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Cục Bản quyền Tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã gửi văn bản tới Google và YouTube đề nghị nền tảng xuyên biên giới xem xét kỹ lưỡng các vấn đề Sconnect đã nêu trong các báo cáo gửi các cơ quan liên quan. Đồng thời, cơ quan nhà nước của Việt Nam cũng đề nghị YouTube khôi phục lại các kênh, các video Wolfoo đã bị xóa, bị khóa, bị chặn đăng tải nội dung mới cho tới khi có phán quyết của Tòa án.

Sau khi các cơ quan chức năng của Việt Nam lên tiếng thì YouTube đã mở khóa hàng chục kênh YouTube bị khóa quyền đăng tải trước đó, tuy nhiên hơn 3.500 video Wolfoo bị xóa thì chưa được khôi phục lại.

Các hồ sơ liên quan tới vụ tranh chấp được Sconnect thường xuyên báo cáo, cập nhật tới cơ quan chức năng để nắm bắt thông tin và hỗ trợ giải quyết.