Nhìn lại năm 2024

Hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân

Năm 2024 ngành Y tế hoàn thành toàn bộ cả 3 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu được Quốc hội giao; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu lớn của ngành, lĩnh vực được Chính phủ giao. Có được kết quả đó, bên cạnh công tác chỉ đạo, điều hành cũng như thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, Bộ Y tế đặc biệt tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cũng như tạo hành lang pháp lý cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên cấp thuốc miễn phí cho nhân dân xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.
Cán bộ quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên cấp thuốc miễn phí cho nhân dân xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Theo Bộ trưởng Y tế Ðào Hồng Lan, công tác xây dựng thể chế được ngành Y tế chú trọng và tập trung hoàn thiện. Năm 2024, lần đầu tiên Bộ Y tế đã xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua hai luật trong một kỳ họp, đó là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Bộ Y tế cũng tham mưu trình Chính phủ ban hành bốn nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quyết định, hai chỉ thị; ban hành theo thẩm quyền 44 thông tư. Bộ Y tế cũng tham mưu, trình và được Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025.

Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, thường xuyên lắng nghe ý kiến từ nhiều kênh để ban hành mới hoặc điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Riêng dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT dù trình trong thời gian gấp rút, cấp bách nhưng đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT khắc phục những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề phát sinh trong thực tiễn mang tính cấp bách, trong đó một số quy định cần sửa đổi ngay để có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các luật, quy định có liên quan.

So với Luật hiện hành, Luật BHYT (sửa đổi) không chỉ sửa đổi, cập nhật đối tượng tham gia để đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội và một số luật liên quan, mà còn thay đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong đó có đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Theo đó, trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... người bệnh được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu. Luật cũng bổ sung cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng được chuyển đến cơ sở khác trong trường hợp thiếu thuốc, thiết bị y tế và quy định cơ chế để quỹ BHYT thanh toán cho các trường hợp này.

Luật Dược (sửa đổi) cũng đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung bảy nhóm điểm mới cơ bản. Theo đó, Luật bổ sung một số quy định mang tính đột phá để thu hút đầu tư và thúc đẩy nghiên cứu phát triển sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, như: Chính sách ưu tiên về các thủ tục hành chính khi cấp giấy đăng ký lưu hành, cấp phép nhập khẩu; chính sách áp dụng các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ từ các quỹ hỗ trợ cho hoạt động khoa học và công nghệ trong nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ, sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc... Tạo hành lang pháp lý cho các hình thức, phương thức kinh doanh mới, như chuỗi nhà thuốc, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử.

Thủ tục hành chính trong đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc cũng được cải cách mạnh mẽ theo hướng phân loại các thuốc, nguyên liệu làm thuốc dựa trên các cấp độ khác nhau về tính chất của thuốc cũng như việc lưu hành để điều chỉnh hồ sơ, thủ tục, thời hạn cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc tương ứng, nhằm tăng khả năng sớm tiếp cận thuốc cho người dân mà vẫn bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước, kiểm soát chất lượng, an toàn và hiệu quả của thuốc...

Mặt khác, Luật tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò của Sở Y tế trong xử lý thuốc vi phạm chất lượng trên địa bàn quản lý, bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả. Các biện pháp quản lý về giá được quy định để phù hợp với Luật Giá và biện pháp đặc thù trong quản lý giá thuốc, bảo đảm việc bán thuốc qua các tầng nấc trung gian không vượt qua giá bán buôn dự kiến đã được công bố.

Sau đại dịch Covid-19, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị và vật tư y tế xảy ra ở nhiều bệnh viện cả tuyến trung ương và địa phương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh, nhất là các bệnh viện tuyến cuối và quyền lợi của người tham gia BHYT. Chính vì vậy, song song với việc sửa đổi, bổ sung Luật Dược (năm 2016), việc xây dựng các cơ chế, chính sách giải quyết tình trạng này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Y tế phối hợp các bộ, ngành tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều cơ chế để giải quyết vấn đề này, từ sửa đổi Luật Ðấu thầu, đến nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật. Nhờ đó Bộ Y tế đã cơ bản giải quyết được khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế, giúp công tác đấu thầu tại các cơ sở y tế được thuận lợi, nhanh chóng. Tuy nhiên, do Luật, nghị định, thông tư mới được ban hành và có nhiều điểm thay đổi so với quy định cũ, cho nên thời gian đầu vẫn còn bỡ ngỡ, vì vậy trong thời gian tới, các đơn vị chức năng của Bộ Y tế cần theo dõi khảo sát thực tế quá trình triển khai, có những hướng dẫn cụ thể, giúp các chủ đầu tư (cơ sở y tế) chủ động thực hiện công tác đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế.

Một thành công về mặt thể chế của ngành Y tế cần được nhắc đến là việc đề xuất và được Quốc hội thống nhất thông qua Nghị quyết về cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025. Việc ban hành nghị quyết đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược phòng chống tác hại của thuốc lá cũng như bảo vệ thanh thiếu niên khỏi những tác hại của thuốc lá mới. Các sản phẩm ni-cô-tin và thuốc lá mới đã được chứng minh là có hại cho sức khỏe và chứa các hóa chất độc hại gây ung thư, bệnh tim và phổi. Trong ngắn hạn, chúng có thể gây ra chấn thương phổi rất nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Ðối với trẻ em và thanh thiếu niên là đối tượng ngành công nghiệp này nhắm đến, chúng có thể làm suy giảm nghiêm trọng sự phát triển não bộ. Với việc chính thức có nghị quyết này, Việt Nam tham gia nhóm 40 nước trên thế giới, trong đó có năm nước khu vực ASEAN cấm hoàn toàn các sản phẩm ni-cô-tin và thuốc lá mới.

Tại cuộc họp triển khai công tác y tế năm 2025, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, năm 2025 có ý nghĩa quan trọng, diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, đây cũng là năm tập trung thực hiện ba công việc lớn, đó là: Chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIV; tiến hành sắp xếp, tinh gọn bộ máy và bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội cũng như tạo tiền đề để phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Trên cơ sở đó, ngành Y tế cần tập trung xây dựng thể chế, phát triển ngành để đóng góp cho sự phát triển của đất nước, bên cạnh ban hành kịp thời các quy định chi tiết triển khai những luật mới được ban hành, ngành Y tế cần tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan, như Luật Dân số, Luật An toàn thực phẩm, phòng bệnh… bảo đảm tính chủ động theo thẩm quyền, tạo không gian phát triển cho các thiết chế liên quan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, y tế là lĩnh vực có tính chuyên môn, kỹ thuật cao, đối tượng chịu sự tác động rất lớn, do đó, công tác xây dựng pháp luật lại càng khó khăn hơn. Ngành Y tế cần tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, chính xác các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, quán triệt việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khơi thông mọi nguồn lực để phát triển khi xây dựng các dự án luật bảo đảm chất lượng và tiến độ. Mặt khác, cần khẩn trương xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và các luật, nghị quyết khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế được giao để bảo đảm triển khai hiệu quả, đưa các quy định của Luật đi vào thực tiễn.