Hoàn thiện pháp lý trong phát triển nhà ở và thị trường bất động sản

NDO -

Chiều 28/4, Hiệp hội Bât động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở-Luật Kinh doanh bất động sản với sự tham gia của đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và các luật sư.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực VNREA Nguyễn Văn Khôi cho biết, tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã xác định phát triển nhà ở và thị trường bất động sản là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là xây dựng quỹ nhà ở cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, công nhân.

Hiện nay, thị trường bất động sản Việt Nam còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là chồng chéo, chi phối đan xen giữa các luật trong triển khai thực hiện dự án nhà ở và bất động sản. Một số địa phương, ngành chưa đồng bộ giữa kế hoạch sử dụng đất đai với dự án đầu tư nhà ở, bất động sản; cơ chế, chính sách, trong đó có việc đầu tư nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ cũng còn nhiều bất cập.

Để đạt mục tiêu đến năm 2025 diện tích nhà ở bình quân toàn quốc là 27m2 sàn/người; trong đó tại đô thị là 28m2 sàn/người. Đến năm 2030 diện tích bình quân 30m2 sàn/người; trong đó tại đô thị là 32m2 sàn/người thì nhu cầu sửa đổi các luật liên quan mà cụ thể là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đang trở nên cấp bách.

Liên quan đến Luật Kinh doanh bất động sản, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đề xuất nên thêm hai chương về tài chính và chuyển đổi số nhằm đem đến thị trường những thông tin, dữ liệu về bất động sản. Đây là chính là những tài nguyên rất quan trọng.

Ngoài ra, nên thêm một chương quy định rõ về các loại hình bất động sản mới phát sinh vừa qua như bất động sản nông nghiệp, nghĩa trang, bất động sản xanh… Trong thời gian tới, bất động sản xanh là một xu thế, do đó cần sớm có những quy định về các loại hình mới này.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch GP.Invest cho rằng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản liên quan trực tiếp và chặt chẽ với Luật Xây dựng. Vì vậy việc sửa đổi hai luật này cần đồng bộ và dựa trên Luật Xây dựng. Theo đó, hiện có khoảng 12 luật đang liên quan và điều phối đến thị trường bất động sản nên nếu các luật không thống nhất sẽ tạo ra rất nhiều vướng mắc, chồng chéo. 

Bàn về sửa Luật Nhà ở, Tiến sĩ Doãn Hồng Nhung - Giảng viên cao cấp khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất rà soát lại Điều 1 của Luật Nhà ở hiện hành và sửa đổi bổ sung theo hướng đưa các giao dịch về nhà ở thương mại sang thực hiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, bà Nhung cho rằng, cần rà soát các quy định về điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định điều kiện công nhận quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo hướng bám sát quy định của pháp luật về đất đai.

Đặc biệt, bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Luật cần quy định rõ kết thúc thời hạn sở hữu, chủ sở hữu chấm dứt quyền sở hữu nhà ở và Nhà nước thực hiện thu hồi nhà ở để thực hiện xây dựng lại theo quy định pháp luật.

Các chuyên gia nhìn chung nhận định, để phát triển nhà ở cho người dân, Luật Nhà ở cần sửa đổi các vướng mắc tồn tại, chưa phù hợp thực tiễn; cùng với đó là thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với Luật Đất đai và các luật liên quan, hoàn thiện chính sách đồng bộ về nhà ở; rà soát các bất cập để hoàn thiện chính sách về quy hoạch, chiến lược, chương trình phát triển nhà ở; bảo đảm tính dự báo quá trình phát triển.