Hậu Giang phát huy hiệu quả Quỹ hỗ trợ nông dân

Thời gian qua, với mục đích không vì lợi nhuận, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Hậu Giang đã giúp nhiều hội viên nông dân trên địa bàn có thêm điều kiện để xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện nay, giá trị tổng tài sản mô hình nuôi thủy sản của anh Hoàng Anh khoảng 4 tỷ đồng; lợi nhuận hàng năm khoảng 400 triệu đồng; giải quyết việc làm cho 7 lao động thường xuyên, từ 15-30 lao động thời vụ (thu hoạch, vệ sinh ao).
Hiện nay, giá trị tổng tài sản mô hình nuôi thủy sản của anh Hoàng Anh khoảng 4 tỷ đồng; lợi nhuận hàng năm khoảng 400 triệu đồng; giải quyết việc làm cho 7 lao động thường xuyên, từ 15-30 lao động thời vụ (thu hoạch, vệ sinh ao).

Nguồn Quỹ hộ trợ nông dân này không chỉ giúp kinh tế nông hộ ngày càng phát triển, quy mô sản xuất không ngừng được mở rộng, giá trị sản phẩm không ngừng được nâng lên, mà qua đó còn là điều kiện, công cụ để tập hợp nông dân vào tổ chức Hội, chất lượng hội viên được nâng lên, đoàn kết, ngày càng gắn bó với tổ chức Hội.

*Giúp hội viên làm giàu

Cách đây 4 năm, anh Lê Hoàng Anh ở khu vực 3, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) đầu tư mua một ha đất để xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản. Ban đầu anh xây bể xi-măng để ương lươn giống và thả nuôi lươn thương phẩm (nuôi lươn không bùn). Là kỹ sư nông nghiệp về nuôi trồng thủy sản nên mô hình nuôi lươn của anh rất thành công, cùng với giá bán cao khi thu hoạch, giúp anh có lợi nhuận kha khá. Từ lợi nhuận này, anh tiếp tục đầu tư dần, xây thêm bể nuôi lươn, đào thêm ao thả thêm các loại cá như: cá trê, cá lóc, cá mè vinh.

Dẫn chúng tôi tham quan cái ao rộng 800m2, vừa thả nuôi 5.000 con cá lóc (đây là vụ nuôi thứ hai); kế bên là ao thả nuôi cá trê với diện tích 2.200m2, anh Hoàng Anh, chia sẻ: “Nói thiệt, việc đầu tư cho mô hình nuôi lươn gia đình đã cạn vốn. Cũng may nhờ có Quỹ hỗ trợ nông dân cho tôi vay 500 triệu đồng, giúp tôi có điều kiện mở rộng quy mô thả nuôi. Ngoài ra, với nhu cầu sử dụng nước mỗi ngày khá lớn, khoảng 500 khối (lượng nước mất đi), nên tôi đã đầu tư hệ thống xử lý tuần hoàn nước (có bể lắng hơn 4.000 khối ), nhằm tiết kiệm tối đa nguồn nước, bảo đảm môi trường”.

Hậu Giang phát huy hiệu quả Quỹ hỗ trợ nông dân ảnh 1
Tham quan ao nuôi cá lóc, cá trê của anh Hoàng Anh.

Theo anh Hoàng Anh, những năm gần đây, phong trào nuôi lươn không bùn phát triển mạnh, nên việc ương lươn giống bán khá thuận lợi. Còn giá lươn thương phẩm cũng khá cao và ổn định, dao động từ 90 nghìn-110 nghìn đồng/kg; Đối với con cá lóc, anh bán cho mối làm mắm cũng rất ổn định. Riêng cá trê, tuy mới thả nuôi nhưng rất có triển vọng thành công.

Đến thăm Tổ hợp tác trồng màu ở ấp 8, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, bà con đang tất bật chuẩn bị vụ dưa hấu Tết. Các thành viên trong tổ ai cũng tỏ ra vui mừng, vì 3 vụ màu năm rồi, nhờ được vay 500 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư màng phủ, áp dụng kỹ thuật khoa học đã giúp bà con trúng mùa, trúng giá.

Theo ông Lê Thanh Bình, Chủ nhiệm Tổ hợp tác trồng màu, Tổ hợp tác có 34 thành viên, với tổng diện tích canh tác khoảng 300 công. Với khoản vay 500 triệu đồng, sẽ ưu tiên hỗ trợ cho những thành viên có diện tích đất canh tác lớn, chi phí nhiều, còn những thành viên chỉ năm, ba công đất thì nhu cầu về vốn chưa cần kíp.

Như trường hợp của ông Lê Thanh Bình, có 3ha, được vay 100 triệu đồng. 3 vụ màu năm rồi, ông Bình có lợi nhuận gần 700 triệu đồng. “Một năm bà con có 3 vụ màu. Ngoài dưa hấu Tết thì 2 vụ còn lại bà con trồng các loại màu khác như: dưa leo, khổ hoa, cà phổi… Nghề trồng màu tuy cực, nhưng cũng rất dễ làm giàu, nếu có đất nhiều và vốn đầu tư. Tôi nghĩ, Quỹ hỗ trợ nông dân với lãi suất vay thấp, thực sự là trợ lực, điều kiện tốt để giúp bà con nông dân vươn lên khá, giàu. Bởi vì hầu hết bà con rất khó tiếp cận vốn vay ở các tổ chức tín dụng thương mại”, ông Bình cho biết.

Theo Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Hậu Giang được thành lập từ ngày 30/11/2011, theo Quyết định số 129-QĐ/HND của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh. Những ngày đầu thành lập, nguồn vốn Quỹ toàn tỉnh chỉ có 4,095 tỷ đồng (cấp tỉnh 0,556 tỷ đồng; cấp huyện 3,539 tỷ đồng). Đến nay, nâng quy mô nguồn vốn toàn tỉnh đạt 57,389 tỷ đồng (trong đó vốn Trung ương Hội ủy thác 11,423 tỷ đồng, vốn tỉnh 9,040 tỷ đồng, vốn huyện 36,926 tỷ đồng), với dư nợ cho vay đạt 56,447 tỷ đồng. Đã hỗ trợ giúp cho 1.422 hội viên nông dân vay vốn, xây dựng 185 mô hình dự án có hiệu quả kinh tế tại địa phương.

Những kết quả mà Quỹ Hỗ trợ nông dân mang lại trong thời gian qua đã khẳng định hướng đi đúng đắn, cách làm sáng tạo, kịp thời của Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

* Tiếp tục bổ sung, quản lý tốt Quỹ hỗ trợ nông dân

Theo ông Võ Văn Trung, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân chỉ tập trung cho vay đối với các mô hình làm kinh tế hiệu quả, nhưng thiếu nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất; điều kiện để vay vốn từ các tổ chức tín dụng không bảo đảm yêu cầu,...

Đây chính là tính đặc sắc của Quỹ Hỗ trợ nông dân đối với việc hỗ trợ nông dân làm kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp và cũng là công cụ để phát triển các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, là tiền đề xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, những mắt xích quan trong của liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp ở nông thôn trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh quản lý hiện nay còn thấp so với nhu cầu, nên gặp khó khăn trong hỗ trợ vốn cho hội viên để phát triển sản xuất và hỗ trợ xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp - Đây cũng chính là yếu tố tiên quyết để vận động, tập hợp hội viên tham gia vào tổ chức Hội.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả nguồn quỹ hỗ trợ này, ông Võ Văn Trung, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Hằng năm, cấp ủy, chính quyền cần quan tâm cân đối ngân sách, tiếp tục bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ nông dân theo Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân khi được Hội đồng nhân dân thông qua, đồng thời, vận động tăng trưởng nguồn vốn từ nguồn ngoài ngân sách, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn của hội viên để phát triển kinh tế.

Hậu Giang phát huy hiệu quả Quỹ hỗ trợ nông dân ảnh 2
Bà con trong Tổ hợp tác trồng màu ở ấp 8, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ đang trải màng phủ chuẩn bị trồng dưa hấu Tết.

Về phía Hội, sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội chủ động phối hợp các ngành, đơn vị có liên quan tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, phổ biến kinh nghiệm sản xuất cho hội viên nông dân giúp hội viên có khát khao vươn lên để thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.

Phát huy và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, nhằm hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với phát triển tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, chi Hội Nông dân nghề nghiệp, làm tiền đề để xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp vì ba mục tiêu: năng suất cao, chất lượng cao và giá trị cao.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp bảo đảm thực hiện đúng quy định. Trong đó, chú trọng nâng cao công tác kiểm tra, đôn đốc việc sử dụng vốn của người vay, kịp thời phát hiện bất cập, rủi ro có thể xảy ra, tuyệt đối không để xâm tiêu, chiếm dụng quỹ, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất nợ quá hạn phát sinh, nhằm quản lý chặt chẽ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh.

Hậu Giang hiện có trên 127 ngàn hội viên nông dân sinh hoạt ở 598 chi hội nông dân, 75 cơ sở hội, trên 61.800 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Hiện nay, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân mới chỉ đáp ứng được nhu cầu vay vốn của khoảng 2,2% số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và hội viên nông dân. Điều này cho thấy, nhu cầu vay vốn của hội viên để phát triển kinh tế là rất lớn.