Hoàn thiện thể chế cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thành phố Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế về khoa học công nghệ. Tuy nhiên, thành phố chưa phát triển được đội ngũ nhân tài đáp ứng yêu cầu, chưa hình thành được thị trường chuyển giao khoa học công nghệ, các chính sách hỗ trợ còn rất khiêm tốn… Vì vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung nhiều nội dung mới nhằm khắc phục những bất cập này.
0:00 / 0:00
0:00
Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ bổ sung nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ bổ sung nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Hà Nội hiện có 124 trường đại học, 113 viện nghiên cứu (chiếm khoảng 80% số viện nghiên cứu cả nước), 14 trong tổng số 17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia với trình độ nhân lực cao. Bên cạnh các tổ chức khoa học công nghệ công lập, Hà Nội còn có 176 tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển, dịch vụ… Ðây chính là tiềm lực khoa học công nghệ lớn để thúc đẩy sự phát triển trên mọi lĩnh vực của Hà Nội và đất nước.

Tuy nhiên, theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô 2012, thành phố vẫn còn bốn bất cập trong phát triển khoa học công nghệ. Một là chính sách ưu đãi, trọng dụng nhân tài chưa hấp dẫn, chưa đủ mạnh để thu hút, phát triển đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ đầu ngành, tài năng trong nước và nước ngoài. Hai là chính sách quản lý khoa học công nghệ của thành phố chưa có những đổi mới đột phá, chưa tạo được cơ chế thông thoáng, thuận lợi để khai thác tối đa tiềm lực cơ sở vật chất và nguồn lực chất xám của các tổ chức nghiên cứu, đào tạo trên địa bàn. Ba là, Hà Nội đang thiếu cơ chế, chính sách nổi trội nhằm hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng kết quả, sản phẩm từ các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp thành phố, chưa tạo được sự kết nối bền vững, thực chất và hiệu quả giữa ba nhà (nhà nghiên cứu, nhà sản xuất-kinh doanh và nhà quản lý nhà nước), dẫn đến thị trường khoa học công nghệ còn manh mún, chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh. Bốn là chính sách hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp tham gia hoạt động ươm tạo, đổi mới công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp chưa rõ ràng, chưa có cơ chế đột phá nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Vì vậy, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung nhiều nội dung mới trong chính sách huy động, sử dụng và phát triển tiềm lực khoa học công nghệ. Thứ nhất là đổi mới mạnh mẽ, đột phá, tháo gỡ các ách tắc về cơ chế quản lý khoa học theo hướng áp dụng hình thức khoán kinh phí theo kết quả, sản phẩm của nhiệm vụ khoa học công nghệ, quy định các trường hợp mua sắm, thuê hàng hóa, dịch vụ để thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ mà không phải thực hiện thủ tục đấu thầu. Cơ chế chuyển giao không bồi hoàn tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho các cá nhân, tổ chức có đủ năng lực ứng dụng, phát triển kết quả, sản phẩm phục vụ công tác quản lý, phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.

Thứ hai, xác định các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm của Thủ đô và áp dụng các ưu đãi nổi trội để thu hút, phát huy tối đa tiềm lực của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức khoa học công nghệ tham gia chủ trì, thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm. Ngân sách thành phố hỗ trợ cho việc thành lập các trung tâm nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm tại các doanh nghiệp, tổ chức. Các cơ chế hỗ trợ nổi trội áp dụng đối với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm, giúp họ tham gia thuận lợi vào hệ sinh thái khởi nghiệp của Thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất, cho phép thành phố Hà Nội áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thúc đẩy Thủ đô đi đầu, tiên phong trong đổi mới sáng tạo đối với các giải pháp công nghệ mới trong các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm của Thủ đô và thực hiện thử nghiệm tại Khu Công nghệ cao. Việc thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ. Dự thảo Luật cũng đề xuất, nên trao quyền cho thành phố Hà Nội lập quy hoạch và xây dựng, phát triển các khu công nghệ cao phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đề xuất, cho phép áp dụng các chính sách, chế độ ưu đãi chung cao nhất về thu hút, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược cho các dự án, ngành nghề, lĩnh vực khoa học công nghệ; ưu đãi đầu tư cho các dự án sử dụng hoặc phát triển công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; xác định phát triển khoa học công nghệ là lĩnh vực trọng tâm được ưu tiên trong liên kết Vùng Thủ đô.

Ðể chính quyền thành phố Hà Nội có đủ thẩm quyền thực thi các chính sách, giải pháp trên, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phân quyền, phân cấp mạnh mẽ cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong việc ban hành các văn bản pháp luật có tính đột phá (kể cả thử nghiệm có kiểm soát) về nội dung quản lý và trình tự, thủ tục thực hiện. Theo Bộ Tư pháp, đây là những giải pháp quan trọng, nổi trội nhằm khắc phục các bất cập thực tiễn, hoàn thiện thể chế, hướng tới xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực.