Giải ngân vốn vay chính sách cho người hoàn lương tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bạc Liêu.
Nội dung này được quy định tại Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 17/8/2023 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Giúp người mãn hạn tù làm lại cuộc đời
Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng, Quyết định số 22 đã quy định rõ ràng về đối tượng thụ hưởng, điều kiện vay vốn, phương thức cho vay, mức vốn vay, thời hạn vay vốn, lãi suất cho vay,... và trong đó có quy định cụ thể về nguồn vốn cho vay để thực hiện quyết định. Điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ nhằm huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.
Nguồn vốn cho vay lấy từ ngân sách địa phương hằng năm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.
Có 145 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tín dụng chính sách xã hội với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng chỉ sau hai ngày Quyết định số 22 có hiệu lực.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã ban hành Văn bản số 7557/NHCS-TDSV hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù. Và khi Quyết định số 22 chính thức có hiệu lực từ ngày 10/10, tổng hợp nhanh từ các địa phương trong cả nước, có 2.089 người mãn hạn tù có nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách với tổng số tiền 138 tỷ đồng.
Ngoài ra, thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội cũng cho biết, đã có 145 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tín dụng chính sách xã hội với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng chỉ sau hai ngày Quyết định số 22 có hiệu lực. Và trước khi Quyết định số 22 có hiệu lực, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay được hơn 9,3 tỷ đồng với 191 người chấp hành xong án phạt tù để giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đơn cử tại tỉnh Bạc Liêu-nơi triển khai nhanh chính sách nhân văn này cho người hoàn lương, bà Hữu Thị Thê (ở ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu) có con trai đã chấp hành xong án phạt tù, được thông báo đến Ngân hàng Chính sách xã hội để nhận tiền vay, rất vui mừng và phấn khởi vì đã có vốn để tiếp tục đầu tư cho mô hình sản xuất của gia đình. “Với số vốn này, về nhà tôi sẽ cải tạo ao nuôi tôm để phát triển kinh tế gia đình”, bà Thê cho biết.
Để kịp thời giải ngân cho các trường hợp như hộ bà Hữu Thị Thê, ngay khi quyết định có hiệu lực, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức giải ngân đồng loạt cho các trường hợp đủ điều kiện ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Tổng cộng là 11 trường hợp được vay vốn, trong đó riêng thị xã Giá Rai có ba trường hợp, các địa phương còn lại có từ một đến hai trường hợp.
Tổng số vốn giải ngân trong ngày là gần 600 triệu đồng. Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bạc Liêu Trần Quang Sơn cho biết, Công an tỉnh Bạc Liêu cũng đã chỉ đạo công an cấp huyện, cấp xã triển khai việc tiến hành rà soát, xác định danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn chuyển Ngân hàng Chính sách xã hội làm căn cứ cho vay theo đúng quy định.
Bảo đảm an toàn xã hội
Có thể nói, đây là một chính sách mang tính nhân văn rất cao của Đảng và Nhà nước, thể hiện rất rõ phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhất là đối với các đối tượng ở thế yếu trong xã hội hiện nay, là những người chấp hành xong án phạt tù, đang khát khao được quay trở lại tái hòa nhập với cộng đồng, làm lại cuộc đời sau những sai lầm, vấp ngã trong quá khứ. “Để tuyên truyền vận động, nhất là đối với các đối tượng khó khăn, chúng tôi sẽ tiến hành làm tất cả các thủ tục để hỗ trợ cho các đối tượng này vay vốn để làm ăn, sớm hòa nhập với cộng đồng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy khẳng định.
Hiện nay, điều kiện vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù là người có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do Công an xã lập và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn nhiều nhất là 5 năm. Chủ trương này không chỉ mang đến cho những người đã chấp hành xong án phạt tù hòa nhập cộng đồng ổn định cuộc sống, mà còn trao cho họ cơ hội được đóng góp vào sự phát triển của gia đình, xã hội và cộng đồng.
Khi người chấp hành xong án phạt tù được tạo điều kiện vay vốn, có việc làm, ổn định cuộc sống sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ phạm tội, bảo đảm an ninh an toàn xã hội.
Đại tá Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng
Trước khi Quyết định số 22 được ban hành, thực tế chưa có chính sách nào riêng để hỗ trợ vay vốn cho nhóm đối tượng này và cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định riêng chính sách tín dụng để khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thu hút lao động là người đã từng lầm lỡ. Vì vậy, chính sách mới đã mở ra hy vọng cho những người chấp hành xong án phạt tù, tạo điểm tựa về vốn cho người đã từng phạm sai lầm, hoàn lương và giúp họ có cơ hội phát triển bình đẳng trong xã hội.
Đại tá Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng (Bộ Công an) cũng cho biết, người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương thường phải đối mặt với rất nhiều rào cản như sự mặc cảm, tự ti về quá khứ của bản thân, khó tìm việc làm, thậm chí còn bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Do đó, khi người chấp hành xong án phạt tù được tạo điều kiện vay vốn, có việc làm, ổn định cuộc sống sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ phạm tội, bảo đảm an ninh an toàn xã hội.