Giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay

Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được nguồn vốn vay, do hạn chế về báo cáo tài chính. Các doanh nghiệp kiến nghị phải có cách tiếp cận mới, bằng cách “may đo” các sản phẩm phù hợp cho từng đối tượng thay vì giữ nguyên quy chuẩn chung.
0:00 / 0:00
0:00
Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn phát triển sản xuất. Ảnh: HẢI NAM
Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn phát triển sản xuất. Ảnh: HẢI NAM

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu “bó tay”

Dẫn báo cáo về tình hình kinh tế bảy tháng đầu năm 2023, cả nước có 131,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước; nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 113,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 16,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, ông Nguyễn Văn Thân, đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bày tỏ, con số trên thể hiện rõ sự khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, trong đó, phần lớn nằm ở khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguyên nhân xuất phát từ việc khó tiếp cận vốn vay.

Thực tế, ông Vũ Minh Quân, Giám đốc Công ty cổ phần DVC Hà Nội - đơn vị chuyên sản xuất chiếu và thảm cho biết, vài năm nay ông đi “cầu cứu” khắp nơi mà không đơn vị nào cho vay vốn. Ông cho biết, sức mua yếu, hàng tồn kho lên đến hàng chục tỷ đồng, dẫn đến vốn lưu động không còn dư. Ông cũng tính đến nước chuyển đổi sản xuất mặt hàng khác nhưng không vay được vốn.

Bị từ chối bởi nhiều lý do, như là, phải có tài sản thế chấp, phải hoạt động có lãi, phải bảo đảm quy định phòng cháy, chữa cháy… ông Quân cho rằng, đây là yêu cầu quá khó. Bởi lẽ, nếu đạt được những tiêu chí đó thì ông chẳng phải vay vốn làm gì.

“Làm nhà xưởng mới cần vốn khoảng 15 tỷ đồng, nhưng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy đã lên tới 5-6 tỷ đồng, sức nào chịu được”, ông Quân nêu bất cập khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa khó càng thêm khó.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) khẳng định, gần như các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn không vay được vốn. Số doanh nghiệp này đang chiếm hơn 98% trên tổng số các doanh nghiệp toàn thành phố.

Theo ông Mạc Quốc Anh, hiện các doanh nghiệp thiếu đơn hàng để sản xuất, trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến hiệu quả hoạt động suy giảm. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì thua lỗ, dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm. Nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới không đủ điều kiện vay vốn.

Trong khi đó, các ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay mà vẫn phải theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm quản trị rủi ro, an toàn hệ thống.

Giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ảnh 1

Các doanh nghiệp mong muốn cắt giảm điều kiện vay vốn và tăng tỷ lệ vay tín chấp lên mức cao nhất. Ảnh: SONG ANH

Giảm lãi suất cần thực chất

Thực tế tiếp cận vốn từ doanh nghiệp đang trái với mục tiêu giảm lãi suất điều hành liên tiếp bốn lần từ đầu năm đến nay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Quy định này nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh.

NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại đồng thời giảm lãi suất khoản vay cũ và mới. Mức giảm ít nhất 1,5-2%, theo chỉ đạo của Chính phủ.

Khảo sát nhiều ngân hàng cho thấy, phần nhiều đã giảm lãi vay các gói mới khoảng 1-2% từ đầu năm tới nay, đưa mức lãi vay gói mới dao động ngưỡng 7,5-9%/năm. Song, lãi suất khoản vay cũ vẫn nơi giảm nơi tăng, chưa thực chất hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Thậm chí, tiêu chuẩn để doanh nghiệp tiếp cận được vốn cũng không hề “nới”.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, giám đốc một công ty cơ khí (tại Hà Nội) cho biết: Từ đầu năm đến nay, gói vay 5 tỷ đồng từ ngân hàng BIDV của công ty đã được giảm lãi vay khoảng 1,2%. Chỉ tính trong tháng 8, đã giảm hai lần, từ mức 8,3%/năm về 8,0% và hiện về 7,8%.

Tương tự, bà Mai Thị Thủy, Giám đốc Công ty cao dược liệu Mai Thị Thuỷ (Quảng Trị) cho biết: Gói vay 1,372 tỷ đồng từ ngân hàng MB của công ty được giảm về mức lãi 6,615 triệu đồng/tháng kể từ tháng 4, thay vì mức lãi 11 triệu đồng phải trả trước đó.

Tuy nhiên, bà Thuỷ cũng cho biết, từ tháng 8, gói vay trên được thông báo lãi lên mức 9 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, gói vay cá nhân khoảng 1,6 tỷ đồng từ ngân hàng Sacombank với mức lãi suất 15,5%/năm vẫn giữ nguyên từ đầu năm đến nay, thậm chí còn được báo xu hướng tăng.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng thừa nhận, ông có nhận được phản ánh có doanh nghiệp kêu phải đi vay lãi suất lên tới 11,5%/năm, trong khi ngân hàng vẫn quảng cáo lãi suất cho vay thấp. Theo Phó Thống đốc, “giờ là lúc các ngân hàng phải chia sẻ một cách thực chất”.

Sở dĩ doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận tín dụng, theo ông Đinh Ngọc Dũng, Phó giám đốc phụ trách khối Khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng SHB, là vì họ còn thiếu năng lực, kinh nghiệm. Bởi lẽ, các doanh nghiệp này thường duy trì hai hệ thống báo cáo tài chính, sổ sách kế toán. Ngân hàng khi thẩm định năng lực, tính khả thi của phương án sẽ thấy báo cáo tài chính như vậy có độ tin cậy thấp, không đánh giá được năng lực kinh doanh của khách hàng.

Mặt khác, doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động đơn lẻ, xây dựng phương án kinh doanh chưa có cơ sở chứng minh tính khả thi nên gửi hồ sơ khó đánh giá để cho vay, đặc biệt doanh nghiệp thiếu tài sản bảo đảm.

Giảm điều kiện vay

Trước thực tế trên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh kinh tế còn dự báo nhiều khó khăn, ông Mạc Quốc Anh cho hay, các doanh nghiệp mong muốn cắt giảm điều kiện vay vốn và tăng tỷ lệ vay tín chấp lên mức cao nhất. Hiện tỷ lệ vay vốn tín chấp chỉ chiếm 15-20%, doanh nghiệp mong muốn được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm.

Về điều kiện cho vay, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, ngân hàng có thể giảm bớt đến 50% số điều kiện cho vay, chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản.

Đồng quan điểm, ông Quân cho rằng, nên phân cấp việc hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp về địa phương. “Địa phương nắm địa bàn, hiểu rõ hoạt động của doanh nghiệp, họ đánh giá được tình hình của doanh nghiệp, biết chủ doanh nghiệp là ai, biết lịch sử hoạt động của doanh nghiệp sẽ dễ dàng đánh giá hơn”, ông Quân nói và cho rằng, cần có những sản phẩm “may đo” phù hợp với từng nhóm khách hàng, đừng đánh đồng tất cả như trong bối cảnh bình thường.