Nhiều gói vay ưu đãi kích cầu tín dụng

Sau khi các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động thì các nhà băng này cũng đã tung ra một loạt các gói vay ưu đãi cho khách hàng nhằm kích cầu tín dụng giúp người dân, doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong quyết định đầu tư vào sản xuất, kinh doanh góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp mong chờ lãi suất cho vay giảm. Ảnh | Ngân hàng ABBANK
Các doanh nghiệp mong chờ lãi suất cho vay giảm. Ảnh | Ngân hàng ABBANK

Nhiều chương trình cho vay ưu đãi

Giảm lãi suất huy động được xem là cơ sở quan trọng để các ngân hàng thương mại có thể giảm chi phí, hướng tới giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Thực tế, các chương trình ưu đãi vốn vay được các ngân hàng thương mại triển khai có ý nghĩa thiết thực, giúp người dân, doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ưu đãi cho người vay cá nhân, nhiều ngân hàng khác cũng đưa ra các gói vay ưu đãi, nhằm thúc đẩy nhu cầu vốn của doanh nghiệp.

Sau loạt chỉ đạo phấn đấu giảm lãi suất cho vay, nhất là động thái giảm một số loại lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã liên tiếp công bố nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của khách hàng.

Điển hình là 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank vừa tung ra các gói tín dụng với tổng quy mô lên tới 370.000 tỷ đồng và 500 triệu USD, lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường...

Cụ thể, Agribank hiện đang triển khai chương trình tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp vay ưu đãi với quy mô lên đến 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD.

Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả, có nhu cầu vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) để bổ sung vốn lưu động nhằm triển khai các phương án sản xuất, kinh doanh hoặc doanh nghiệp cần vay vốn hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, sẽ được vay lãi suất ưu đãi thấp hơn tới 1,5%/năm (với khoản vay giải ngân bằng Việt Nam đồng) và 1%/năm (với khoản vay bằng USD), so với mức lãi suất hiện hành (tùy theo từng kỳ hạn cho vay, hồ sơ cụ thể của doanh nghiệp đề nghị vay vốn).

Trước đó, Agribank cũng chủ động hạ lãi suất huy động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; đồng thời, điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với các khoản vay kinh doanh bất động sản.

Tiếp đến, Vietcombank cũng dành 100.000 tỷ đồng cho vay sản xuất, kinh doanh ngắn hạn với khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh với mức lãi suất ưu đãi.

Cụ thể, mức lãi suất 7,5%/năm với khoản vay có thời hạn dưới 3 tháng; 7,8%/năm với khoản vay có thời hạn từ 3 đến dưới 6 tháng; 8,3%/năm với khoản vay từ 6 tháng đến dưới 9 tháng; 8,6%/năm với thời hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng; 8,8%/năm với khoản vay thời hạn cho vay 12 tháng.

VietinBank cũng vừa công bố ưu đãi lãi suất cho vay chỉ từ 7,1% nhằm hỗ trợ nhu cầu sản xuất, kinh doanh cho khách hàng cá nhân.

Theo đó, từ nay đến hết 30/6/2023, VietinBank triển khai chương trình ưu đãi cho vay với lãi suất chỉ từ 7,1%/năm và quy mô gói vay lên tới 100.000 tỷ đồng. Chương trình áp dụng với khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh. Với chính sách này, khách hàng sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,1%/ năm, thời gian vay lên tới 12 tháng.

Tương tự, BIDV cũng vừa công bố triển khai gói 70.000 tỷ đồng cho vay sản xuất, kinh doanh, với lãi suất chỉ từ 7%/năm. Trong đó, BIDV dành 20.000 tỷ đồng cho vay sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực xanh với ưu đãi lãi suất chỉ từ 7%/năm và dành 50.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh lĩnh vực khác.

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn thành phố năm nay thu hút sự tham gia của hơn 20 thương hiệu ngân hàng với số vốn đăng ký ban đầu hơn 453.000 tỷ đồng, cao hơn 30.000 tỷ đồng so với năm 2022.

Con số trên tương đương khoảng 14% tổng huy động trên địa bàn hiện nay. Với lãi suất cho vay ra, trung dài hạn không quá 11%/năm, ngắn hạn không quá 8%/năm, đây sẽ là nguồn vốn quan trọng với chi phí hợp lý.

Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14%-15% (trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm

Không chỉ riêng 4 ngân hàng lớn, các gói tín dụng ưu đãi lãi suất cũng được triển khai tại nhiều ngân hàng thương mại khác.

Mới đây, Ngân hàng Bắc Á (BacABank) cho biết, dành 5.000 tỷ đồng để tiếp sức kinh doanh đối với khách hàng cá nhân. Lãi suất cho vay tại chương trình này sẽ được giảm từ 0,3%-0,5%/năm cho các khoản vay ngắn hạn thuộc đa dạng ngành nghề, lĩnh vực.

Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng công bố giảm đến 2%/năm lãi suất cho vay kinh doanh đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ áp dụng cho các khách hàng có sử dụng gói tài khoản iBusiness (cá nhân kinh doanh) hoặc sBusiness (doanh nghiệp siêu nhỏ) của VIB; Ngân hàng Phương Đông cũng dành gói tín dụng 1.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn với mức lãi suất giảm đến 2% so với thông thường cho cả các khoản vay ngắn hạn và trung dài hạn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc đầu tư tài sản cố định, không phân biệt ngành nghề kinh doanh trên phạm vi toàn quốc.

Ông Phạm Hồng Phú, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng bán lẻ, Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) cho biết: “Trên cơ sở giá vốn bình quân giảm, chúng tôi có gói giảm 2,3% với những doanh nghiệp xuất nhập khẩu có gắn kết với ngân hàng”.

Nhiều ngân hàng cũng cho biết, đang lên kế hoạch để giảm thêm lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên, sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định hạ trần cho vay ngắn hạn với nhóm này thêm 0,5 điểm % trong tuần trước.

Để giảm được mặt bằng lãi suất cho vay không hề dễ dàng, trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn đang phải tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Việc này đòi hỏi nỗ lực lớn từ phía các ngân hàng thương mại trong việc tiết giảm chi phí hoạt động, để cùng chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp.

Trong chỉ đạo mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu việc giảm mặt bằng lãi suất phải thực chất. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu các giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn và tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu và các lĩnh vực ưu tiên đã xác định.

Mặc dù vậy, một số doanh nghiệp phản ánh dù NHNN đã giảm các mức lãi suất điều hành nhưng đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay vẫn chưa được điều chỉnh như mong muốn và còn duy trì ở mức cao. Một số ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay về mức 7,1% nhưng đều chặt chẽ, doanh nghiệp khó tiếp cận được.

Giải đáp vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính, Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay chắc chắn sẽ giảm nhưng không ngay lập tức mà có độ trễ nhất định, bởi bản thân các ngân hàng vừa qua đã huy động vốn ở mức lãi suất cao. Vì vậy, phải sang quý sau thì mặt bằng lãi suất mới giảm rõ nét.

Mặc dù động thái giảm lãi suất điều hành này chưa phát huy tác dụng ngay, nhưng giới chuyên gia cho rằng động thái này của các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước đã đem lại tín hiệu rất tích cực cho cả nền kinh tế. Đây sẽ là cơ sở, tiền đề để tất cả các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay trong thời gian tới. Không chỉ lĩnh vực ưu tiên, mà động thái giảm lãi suất này cũng sẽ lan tỏa đến các ngành nghề khác trong nền kinh tế.