Hỗ trợ phụ nữ tham gia quá trình chuyển đổi số

Rất nhiều lợi ích mà chuyển đổi số có thể mang lại cho phụ nữ, đặc biệt các nhóm phụ nữ yếu thế như khả năng tiếp cận thông tin, tiếp cận thị trường, dịch vụ xã hội. Từ đó, chị em có cơ hội nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề và cơ hội tự phát triển bản thân…
0:00 / 0:00
0:00
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hưng Yên ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội. Ảnh: Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hưng Yên ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội. Ảnh: Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam

Sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào quá trình chuyển đổi số không chỉ vì mục tiêu bình đẳng giới mà còn mang lại lợi ích kinh tế và hiệu quả khi quá trình này có được quan điểm, kinh nghiệm của tất cả các nhóm đối tượng, trong đó có hội viên, phụ nữ người dân tộc thiểu số.

Thời gian qua, chị Linh Thị Phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Khâu Vai (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) đã xây dựng video truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước bằng tiếng dân tộc Mông, trình chiếu trong các buổi sinh hoạt chi hội và mạng xã hội, thu hút sự quan tâm, theo dõi của cán bộ, hội viên, phụ nữ.

Đây được coi là một trong những điểm mới sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức cho người dân tộc thiểu số. Chị Linh Thị Phương còn là một trong hai tác giả đoạt giải nhất cuộc thi “Ứng dụng Công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt Hội” năm 2024 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Khâu Vai luôn thực hiện tốt phong trào thi đua, các cuộc vận động và nhiệm vụ trọng tâm của công tác hội. Tuy nhiên, với một xã vùng cao, địa bàn rộng, đời sống người dân còn nhiều khó khăn cho nên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống sinh hoạt, sản xuất cũng như sinh hoạt hội còn nhiều hạn chế.

“Dựa vào tình hình thực tế ở địa phương, chúng tôi tìm ý tưởng, tiến hành xây dựng kịch bản, lựa chọn diễn viên là những hội viên gương mẫu cùng nhau tập luyện, tiến hành quay phim bằng điện thoại di động rồi dựng sản phẩm bằng phần mềm trên máy vi tính. Những nội dung trình chiếu ngắn gọn, dễ hiểu, cảnh quay thực tế, gần gũi với đời sống của người dân và được làm thêm một phiên bản bằng tiếng dân tộc Mông, giúp việc tiếp cận đạt hiệu quả tốt nhất”, chị Phương chia sẻ.

Sau mỗi buổi trình chiếu video, người chủ trì buổi sinh hoạt sẽ giải đáp thêm cho các hội viên về những thông tin, kiến thức đã được tuyên truyền trong video, tăng hiệu quả sinh hoạt so với cách thức truyền thống.

Chị Phương cho biết, đối với các chi hội còn thiếu về cơ sở vật chất, Hội sẽ cho phát video qua hệ thống loa phát thanh của thôn hoặc loa kéo di động của Tổ truyền thông cộng đồng. Cùng với đó là đăng tải video lên các nhóm zalo của hội viên, nhằm tương tác, nhận được sự góp ý để hoàn thiện về nội dung, góp phần nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt chi hội, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.

Trong bối cảnh hội nhập chuyển đổi số và hỗ trợ phụ nữ tham gia chuyển đổi số, để tránh những trường hợp vì thiếu kiến thức, kỹ năng cho nên trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo qua mạng với nhiều hình thức tinh vi, Ban

Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định đã xây dựng mô hình “Phụ nữ hội nhập an toàn trên môi trường mạng” với 40 thành viên tại phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn. Đây là mô hình thí điểm đầu tiên mà Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thành lập.

Hiện nay, mô hình sinh hoạt rất hiệu quả định kỳ một tháng/lần. Ban Chủ nhiệm mô hình mời các báo cáo viên là công an chuyên trách, tổ chức tập huấn cho các thành viên cách sử dụng mạng xã hội, chỉ ra những hành vi không lành mạnh trên không gian mạng..., để các chị hiểu thêm và tuyên truyền đến người thân trong gia đình. Mô hình được nhân rộng ra các huyện: Vĩnh Thạnh, Phù Cát… với hơn 70 thành viên.

Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Bình Định tích cực hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia phát triển kinh tế số thông qua các hoạt động tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, hợp tác xã; vai trò, vị trí của phụ nữ trong phát triển kinh tế số.

Nội dung khác được chú trọng là bồi dưỡng trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ để kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tham gia sàn giao dịch điện tử, các hoạt động kinh doanh trực tuyến phù hợp với quy định của pháp luật; tham gia thanh toán điện tử, hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, đã có bốn cơ sở hội ra mắt mô hình Tổ “Ứng dụng công nghệ thông tin trong sinh hoạt Hội”.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, xác định là tổ chức tiên phong vì bình đẳng và phát triển của phụ nữ, hội ý thức được trách nhiệm và vai trò của mình trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới chuyển đổi số nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình, hỗ trợ hội viên, phụ nữ hiệu quả vào tham gia quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Đội ngũ cán bộ hội các cấp đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, trau dồi nâng cao trình độ, đổi mới, sáng tạo, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành và tổ chức triển khai các hoạt động hội; xây dựng tổ chức hội ngày một phát triển, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Hội viên phụ nữ cần tích cực học tập, chủ động tham gia, thích ứng với chuyển đổi số, nắm bắt và áp dụng khoa học-công nghệ nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc, phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng cuộc sống; tổ chức tốt gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái phù hợp trong bối cảnh công nghệ số; phát huy vai trò vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là chủ thể thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia.