Lan tỏa nhiều hoạt động chuyển đổi số
Trong Tháng hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia, 883 Tổ công nghệ số cộng đồng (hơn 4.500 thành viên) tại 883 ấp/khóm ở Cà Mau đồng loạt ra quân, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để triển khai các hoạt động công nghệ số hướng đến mục tiêu đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số, thúc đẩy chuyển đổi số đến từng hộ gia đình, người dân. Ông Trần Quốc Việt ở ấp Tân An Ninh B, xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau cho biết: “Tổ công nghệ số cộng đồng đến nhà hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt ứng dụng “Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau” (CaMau-G), ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, đặt lịch khám bệnh từ xa, chỉ tôi biết cách bảo vệ thông tin cá nhân, người thân và gia đình trên môi trường mạng… Tôi thấy những ứng dụng này rất thiết thực”.
Đến nay, thành viên các Tổ công nghệ số tại Cà Mau đã trực tiếp hướng dẫn cho hơn 210 nghìn hộ dân, tương đương khoảng 65% số hộ gia đình trong tỉnh Cà Mau cài đặt, sử dụng các nền tảng số để ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Tại các xã, phường, thị trấn, nhiều mô hình “Khu dân cư điện tử” cũng được hình thành nhằm từng bước tạo lập hành vi, thói quen cho người dân trên môi trường số, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số. Bà Nguyễn Ái Ly ở Phường 9, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, chia sẻ: “Chuyển đổi số dần thay đổi cách sống, làm việc, giải trí của gia đình tôi, giúp tôi tiếp cận nhiều nguồn học liệu phong phú để chỉ dạy cho con cháu, cũng như có thêm nhiều tiện lợi trong mua sắm và sử dụng các dịch vụ qua mạng dù ở bất kỳ đâu mà không cần đến tận nơi”.
Theo ông Nguyễn Văn Chuôi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường 9, thành phố Cà Mau, việc thành lập “Khu dân cư điện tử” là một trong những đòn bẩy thúc đẩy chuyển đổi số toàn dân trên địa bàn phường. Chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia và trở thành những công dân số. Tháng cao điểm chuyển đổi số tại Cà Mau kéo dài từ ngày 10/9 đến 10/10/2024, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hướng đến thay đổi cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất của tổ chức, cá nhân dựa trên các công nghệ số; bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng xã hội; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến… Các hoạt động chuyển đổi số tại Cà Mau xoay quanh việc sử dụng, lan tỏa các ứng dụng số, giải pháp số từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, điểm nhấn là trưng bày các gian hàng, sản phẩm số, chú trọng tạo sự tương tác, thu hút người dân, doanh nghiệp đến với các hoạt động được tổ chức trong Ngày hội Chuyển đổi số của tỉnh.
Theo ông Khưu Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại SK NONI ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, Ngày hội Chuyển đổi số năm 2024 tại Cà Mau có nhiều điểm tích cực, trong đó có chương trình bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng bán hàng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng xã hội. Đây là cách để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận khách hàng tiềm năng, duy trì mối quan hệ gần gũi với khách hàng, đối tác trên toàn cầu, góp phần mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng và doanh thu nhờ vào nền tảng số.
Nhiều thay đổi qua chuyển đổi số
Chuyển đổi số đã và đang giúp người dân cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống và gắn kết xã hội. Tại khu vực nội thành, ngày càng nhiều người dân dùng các ứng dụng trên điện thoại để gọi xe, mua thực phẩm, hàng hóa trực tuyến, sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử. Ở nhiều vùng nông thôn, ngày càng có nhiều nông dân áp dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, các cơ quan công quyền đã tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến, góp phần giảm bớt văn bản giấy, nâng cao tính tiết kiệm. Các lực lượng thực thi công vụ chỉ cần ngồi tại cơ quan cũng có thể theo dõi và biết rõ vị trí của hàng nghìn tàu cá địa phương đang khai thác xa bờ…
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, không chỉ giới hạn ở giới trẻ, người cao tuổi tại Cà Mau cũng bắt đầu quen với việc sử dụng điện thoại thông minh để kết nối gia đình, theo dõi sức khỏe qua các ứng dụng y tế, cập nhật những kiến thức mới... Với chuyển đổi số, dường như khoảng cách về địa lý không còn tồn tại. Để có những chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số, thời gian qua, tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu nhằm triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số…
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và thực hiện tốt Chương trình, chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, ngày 14/7/2022, Tỉnh ủy Cà Mau ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 1/8/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định số 1929/QĐ-UBND ban hành Đề án chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án được cụ thể hóa bằng kế hoạch hằng năm với những nhiệm vụ, giải pháp chi tiết nhằm thực hiện các mục tiêu theo lộ trình đề ra.
Nhờ quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện, thứ hạng theo Bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử tại Cà Mau không ngừng được cải thiện. Riêng năm 2023, bộ chỉ số này tại Cà Mau đạt 83,4/100 điểm, tăng hơn 25 điểm so với năm 2022, dẫn đầu cả nước.
Theo báo cáo tổng hợp từ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh hiện có hơn 450 dịch vụ công trực tuyến, tất cả đã được kết nối, tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến tại Cà Mau đạt 80,33%; thanh toán trực tuyến đạt 95,14%. Đến nay, 100% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã sử dụng hóa đơn điện tử; 98% số doanh nghiệp nộp thuế điện tử.
Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau Nguyễn Chí Thiện, tỉnh hiện có khoảng 6.000 hộ kinh doanh có tài khoản bán hàng trên sàn thương mại điện tử và hơn 125.600 tài khoản người bán trên hai sàn thương mại điện tử madeincamau.com và buudien.vn với tổng số nông sản lên sàn hơn 730 sản phẩm. Nhờ áp dụng thêm hình thức kinh doanh, bán hàng mới, trong năm 2023, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trên tổng doanh thu bán lẻ tại Cà Mau ước đạt khoảng 9%. Năm 2024, Cà Mau phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trên GRDP tối thiểu cao hơn 10%.
Gần đây, tỉnh đã triển khai phần mềm “Cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ sản xuất nông nghiệp tỉnh Cà Mau” cho phép lưu trữ, quản lý dữ liệu của ngành nông nghiệp kết hợp với ứng dụng “Nông nghiệp Cà Mau” sử dụng trên thiết bị di động cung cấp thông tin, dữ liệu trên tất cả các lĩnh vực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong quá trình nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực này. Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai Đề án của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Với nhiều cách thức, giải pháp đang triển khai thực hiện, Cà Mau kỳ vọng sẽ thay đổi phương thức hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nâng cao năng lực công nghệ số, giúp tạo ra những giá trị mới trong thời đại công nghệ số…
Chuyển đổi số đang dần thay đổi cách thức hoạt động của hệ thống công quyền tại địa phương, giúp tự động hóa nhiều quy trình để từ đó nâng cao hiệu quả quản lý. Chuyển đổi số tăng cường kết nối giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp nhờ việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và minh bạch, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Chuyển đổi số còn giúp địa phương tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư và tăng cường phát triển kinh tế-xã hội.
Lê Văn Sử
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau