Hỗ trợ, đồng hành thay vì “khoán” trách nhiệm cho thanh niên

NDO - Tại Hội nghị Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam lần thứ 2, diễn ra tại Hà Nội sáng 10/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến về thực trạng đáng lo ngại, phương hướng nâng cao hiệu quả quản lý thanh niên các địa phương, sở, ngành hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Bùi Quang Huy đồng chủ trì Hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Bùi Quang Huy đồng chủ trì Hội nghị.

Theo các báo cáo tại Hội nghị, năm 2022, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam đã hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Trong đó, có việc tập trung phối hợp đề xuất, xây dựng chính sách về thanh niên, nhất là các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ thuộc Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Xây dựng Đề án “Sách trắng về thanh niên khởi nghiệp”

Năm vừa qua, Ủy ban đã phối hợp Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ tham mưu phục vụ Hội nghị đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với thanh niên, có chủ đề “Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0”; phối hợp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Diễn đàn Chính sách quốc gia đối với thanh niên năm 2022,có chủ đề “Đào tạo nghề cho thanh niên”.

Đáng chú ý, Ủy ban đã phối hợp Trung ương Đoàn, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và các đơn vị liên quan xây dựng Đề án “Sách trắng về thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2023-2027”; xây dựng cơ sở dữ liệu, tổng hợp mô hình, ý tưởng của thanh niên khởi nghiệp; xây dựng dự thảo Bộ tiêu chí “Vì sự phát triển thanh niên Việt Nam”…

Bên cạnh đó, Ủy ban còn phối hợp các tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai điều tra, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên và công tác thanh niên năm 2022, đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, trong quá trình rà soát, xuất hiện nhiều khó khăn, hạn chế:nguồn lực bảo đảm triển khai, thi hành Luật Thanh niên và các văn bản quy phạm pháp luật về thanh niên còn gặp nhiều khó khăn do phải bố trí từ ngân sách Nhà nước trong dự toán chi thường xuyên hằng năm;đối thoại thanh niên tại cấp xã chưa được quan tâm; đội ngũ làm công tác quản lý Nhà nước về thanh niên còn thiếu, lúng túng.

Ngoài ra, việc xây dựng các chính sách cho trường trung học phổ thông chuyên, trường năng khiếu trọng điểm để có cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, có chất lượng giáo dục ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực, quốc tế chưa đạt kết quả rõ rệt; tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp chỉ được 15%, không đạt mục tiêu.

Trong khi đó, hoạt động tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu lao động, việc làm dành cho các đối tượng nêu trên cũng chưa hiệu quả. Nội dung các chính sách về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho đối tượng vị thành niên, thanh niên chưa toàn diện, đặc biệt với nhóm dân tộc thiểu số, khuyết tật, di cư…

Không thể mãi “khoán trắng” trách nhiệm cho tổ chức Đoàn

Tại Hội nghị, các đại biểu bày tỏ đồng tình với các báo cáo, đánh giá cao những kết quả mà Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam đã đạt được trong năm 2022. Tuy nhiên, đi sâu phân tích hiệu quả công tác quản lý thanh niên hiện nay, nhiều đại biểu đã chỉ ra các khó khăn, hạn chế, vướng mắc cụ thể.

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, việc phối hợp triển khai tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh niên còn không ít “khoảng trống” bất cập, nhất là tại các địa phương. Việc tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo, người đứng đầu sở, ngành, địa phương với thanh niên thiếu bài bản, thậm chí chưa được quan tâm, chưa thực hiện. Công tác lồng ghép các chính sách về thanh niên thực hiện chưa tốt, chưa cho kết quả như mong đợi.

Cùng quan điểm trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng, công tác triển khai Luật Thanh niên vào thực tiễn đời sống còn nhiều thách thức, mặc dù đã có những điều chỉnh nhất định.

“Vấn đề đáng ngại nằm ngay từ nhận thức. Khi chúng tôi tổ chức giám sát việc thực hiện Luật Thanh niên, nhiều địa phương, bộ, ngành lấy luôn báo cáo tổ chức Đoàn các cấp để làm báo báo cáo quản lý thanh niên, việc đối thoại với thanh niên ở cấp xã, huyện hầu như không có”, đồng chí Tạ Văn Hạ trăn trở.

Hỗ trợ, đồng hành thay vì “khoán” trách nhiệm cho thanh niên ảnh 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ nêu ý kiến tại Hội nghị.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, tình trạng “khoán trắng” trách nhiệm cho Đoàn thanh niên còn thể hiện ở việc hiện mới có 7 trong tổng số 22 dự án, đề án trong Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 được xây dựng. Đặc biệt, 6 trong số 7 dự án, đề án cũng do Đoàn thanh niên làm “tác giả”.

Nêu bài học kinh nghiệm thực tế trong quản lý, phát triển thanh niên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định cho biết: cần tin tưởng, giao nhiệm vụ cụ thể cho người trẻ, đồng thời thường xuyên phối hợp triển khai các nhiệm vụ giữa thế hệ cán bộ dày dặn kinh nghiệm và lớp cán bộ nhanh nhạy, có sức trẻ.

“Trong khi tỷ lệ thanh niên ở khu vực nông thôn giảm nhanh, tỷ lệ thanh niên công nhân, nông dân ít quan tâm đến các vấn đề xã hội, thì công tác quản lý thanh niên ở các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Đã 3 năm trôi qua, nhưng nội dung báo cáo này vẫn tồn tại, nghĩa là vấn đề vẫn chưa được giải quyết”, đồng chí Nguyễn Xuân Định cho hay.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý đến những nhiệm vụ cụ thể trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thời gian tới như nghiên cứu, chuyển giao công nghệ gắn với thích ứng sau đại dịch, qua đó nhấn mạnh vai trò đặc biệt của thanh niên cũng như tầm quan trọng của những kế hoạch, mục tiêu phát triển, quản lý Nhà nước về thanh niên.

Đồng chí Trần Hồng Hà cho rằng, nếu Luật Thanh niên không thoát khỏi “bài toán trầm kha” về việc ban hành nhưng mãi chưa đi vào cuộc sống, thì nhiều chính sách hay sẽ không thể phát huy, đơn cử như các nghĩa vụ, quyền hạn của thanh niên, trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về thanh niên.

Phó Thủ tướng đề nghị các bên liên quan cùng nhìn lại những tồn tại, hạn chế đã nêu tại Hội nghị, đưa ra các giải pháp cụ thể để Chính phủ và các địa phương, cơ quan, tổ chức cùng vào cuộc, đồng hành với thanh niên hiện thực hóa khát vọng đất nước hùng cường trong tương lai không xa.