Tham dự buổi lễ có ông Hà Minh Hiệp, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; ông Bùi Hà Nam, Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi, Bộ Ngoại giao; Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato Tan Yang Thai; đại diện các bộ, ngành ở Trung ương, cơ quan ngoại giao, các tổ chức, doanh nghiệp…
Với quyết tâm xây dựng và phát triển ngành Halal của Chính phủ, đặc biệt là sự vào cuộc rất hiệu quả của Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Khoa học và công nghệ, Ban Tôn giáo Chính phủ cùng nhiều bộ, ngành, cơ quan khác, Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia ra đời nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đạt chuẩn Halal cũng như thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam.
Ông Trần Quốc Dũng - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp phát biểu tại Lễ công bố. |
Phát biểu tại lễ công bố, ông Trần Quốc Dũng - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp khẳng định: “Khi được giao nhiệm vụ nghiên cứu thành lập một Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia, QUACERT coi đây là một trọng trách lớn mà Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng giao phó”.
Việc thành lập tổ chức chứng nhận Halal quốc gia là một quá trình nghiên cứu lâu dài, kỹ lưỡng... "Trong quá trình xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia chúng tôi đã nghiên cứu nhiều mô hình khác nhau, lắng nghe ý kiến của chuyên gia, dự nhiều hội thảo, diễn đàn, tham quan, học hỏi thực tế từ cơ quan quản lý Hồi giáo, cơ quan phát triển Halal, tổ chức tiêu chuẩn hóa, phòng thử nghiệm Halal nước ngoài để đề ra mô hình phù hợp với thực tế của Việt Nam” - ông Dũng chia sẻ.
Vụ trưởng vụ Trung Đông và châu Phi, Bộ Ngoại giao Bùi Hà Nam khẳng định: “Trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng quan tâm đến việc mở rộng thị trường Halal, việc thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ góp phần thống nhất việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng nhận Halal mà còn tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm chi phí để thâm nhập hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.”
Cũng theo ông Nam, trong thời gian tới, vụ Trung Đông - Châu Phi, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) trong việc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác quốc tế để huy động tối đa nguồn lực từ bên ngoài phục vụ cho xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam toàn diện, bài bản, chuyên nghiệp hơn, trong đó chú trọng tìm kiếm, kết nối hợp tác giữa Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia và các đối tác có uy tín về chứng nhận Halal trên thế giới.
Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato Tan Yang Thai phát biểu tại lễ công bố. |
Khẳng định việc thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia là kịp thời để Việt Nam thực hiện hóa mục tiêu tiếp cận thị trường Halal, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato Tan Yang Thai tin tưởng rằng: “Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn để xuất khẩu các sản phẩm được chứng nhận Halal, thâm nhập vào thị trường Hồi giáo hơn 1,9 tỷ dân theo đạo Hồi trên khắp thế giới với giá trị xuất khẩu ước tính đạt 5 nghìn tỷ USD vào năm 2030.”
Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia có chức năng quản lý nhà nước về chứng nhận Halal tại Việt Nam, có nhiệm vụ chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn Halal, qua đó bảo đảm niềm tin của người tiêu dùng về tính an toàn và được phép của sản phẩm. Đồng thời, Trung tâm có vai trò trong việc cung cấp các dịch vụ đào tạo, tư vấn và nâng cao năng lực về ngành Halal, triển khai hợp tác trong nước và quốc tế liên quan đến lĩnh vực Halal…