Bảo đảm an toàn cho hồ Dầu Tiếng

Với diện tích lưu vực 270km2, hồ chứa nước Dầu Tiếng được xếp vào loại công trình thủy lợi quan trọng cấp đặc biệt; ngoài bảo đảm nhu cầu về nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp sinh hoạt, môi trường phục vụ phát triển vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất Việt Nam, còn có nhiệm vụ cắt giảm lũ, đẩy mặn cho vùng hạ du sông Sài Gòn. Tuy nhiên, hiện nay việc vận hành hồ Dầu Tiếng để giảm nguy cơ cho TP Hồ Chí Minh đang là bài toán khó, chưa có lời giải.
0:00 / 0:00
0:00
Cần có giải pháp bảo đảm an toàn cho đập hồ Dầu Tiếng.
Cần có giải pháp bảo đảm an toàn cho đập hồ Dầu Tiếng.

“Gặp khó” trong vận hành

Hồ Dầu Tiếng được đưa vào khai thác, sử dụng năm 1984, có nhiệm vụ đa mục tiêu là cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt cho các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An, TP Hồ Chí Minh; cắt giảm lũ, đẩy mặn cho vùng hạ du sông Sài Gòn. Sau gần 40 năm đi vào hoạt động, hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng đóng góp vai trò rất lớn trong việc cung cấp nguồn nước sạch cho phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và TP Hồ Chí Minh.

Hồ Dầu Tiếng hiện do Công ty TNHH Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa) quản lý, với diện tích lưu vực 270km2, dung tích toàn bộ 1.580 triệu m3. Ngoài việc bảo đảm nhu cầu về nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp sinh hoạt, môi trường phục vụ phát triển vùng kinh tế trọng điểm; nhờ có hồ Dầu Tiếng điều tiết lũ mà ngập lụt ở hạ du sông Sài Gòn đã giảm đáng kể so trước khi xây dựng công trình, giảm thiệt hại cơ sở hạ tầng ở hạ du.

Tuy nhiên, theo ông Tô Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa, do tốc độ đô thị hóa quá nhanh ở hạ lưu sông Sài Gòn, vấn đề ngập lụt cơ sở hạ tầng ở hạ du mỗi khi hồ Dầu Tiếng xả lũ là một vấn đề rất lớn, mặc dù lưu lượng xả lũ lớn nhất trong vòng 30 năm trở lại đây chỉ đạt 600m3/s. Trong tương lai, do tác động của biến đổi khí hậu, nếu hồ xả lũ nhiều hơn, thì ngập lụt càng trở nên trầm trọng. Trong trường hợp lũ lớn, việc xả lũ nhằm bảo đảm an toàn công trình, nhưng phải giảm được ngập lụt cho hạ du đang là mâu thuẫn gay gắt trong thực tế đã và đang tồn tại sau gần 40 năm vận hành công trình.

Theo thiết kế, lưu lượng xả tràn của hồ Dầu Tiếng có thể lên đến 2.800m3/giây với mực nước lũ 26,92m. Trong khi đó, sức tải lũ của sông Sài Gòn rất thấp. Ông Thanh dẫn chứng, đoạn từ cầu Sài Gòn tới cầu Bến Súc chỉ có thể đạt lưu lượng 200 m3/giây, vượt qua mức này sẽ bị tràn, ngập. Trong thực tế, chỉ một lần hồ Dầu Tiếng xả lũ đến 600m3/giây đã khiến vùng hạ du như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương ngập nghiêm trọng. Nếu xả đến 2.800m3/giây sẽ khiến 10 quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh cùng nhiều địa phương tại Tây Ninh, Bình Dương và Long An ngập nặng, gây thiệt hại rất lớn. “Trong trường hợp xảy ra lũ lớn, đe dọa đến an toàn công trình và bắt buộc phải xả lũ với lưu lượng lớn hơn, thì ảnh hưởng đến ngập lụt ở hạ du như thế nào?”, ông Thanh đặt vấn đề.

Trên thực tế, việc vận hành xả lũ hồ Dầu Tiếng đang tồn tại nhiều bất cập và việc xả lũ hồ Dầu Tiếng phải đối diện với nhiều rủi ro. Theo đại diện Công ty Dầu Tiếng, trước hết, chỉ có một tuyến thoát lũ cho hồ Dầu Tiếng là sông Sài Gòn, trong khi sức tải lũ đoạn sông Sài Gòn ở chân đập về đến cầu Bến Súc nhỏ; làm gia tăng ngập lụt nghiêm trọng mỗi khi lưu lượng xả qua tràn vượt quá 200m3/s. Bên cạnh đó, hồ Dầu Tiếng chưa có tràn sự cố khi xảy ra lũ cực lớn có nguy cơ vỡ đập, nhưng cao trình đập chính và đập phụ hồ Dầu Tiếng chưa đáp ứng được quy trình bảo đảm an toàn cho công trình. Chưa kể, nguy cơ xảy ra sự cố cửa van cung là rất cao trong khi không có cửa van sự cố để kịp thời chặn dòng nước từ hồ xả xuống hạ du, gây ngập và mất nước hồ không kiểm soát.

Giải pháp bảo đảm an toàn cho công trình và hạ du

Tại Hội nghị Phòng, chống thiên tai khu vực miền nam năm 2022 do Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức tại TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, công trình hồ chứa nước Dầu Tiếng được xếp vào loại công trình thủy lợi quan trọng cấp đặc biệt, liên quan đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, đối với TP Hồ Chí Minh, việc vận hành hồ Dầu Tiếng đang là một bài toán chưa có lời giải. “Nếu khi có tình huống xấu xảy ra, nguy cơ sẽ rất lớn, thiệt hại gây ra sẽ không nhỏ và có thể trở thành thảm họa đối với TP Hồ Chí Minh”, ông Hoài nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Vũ, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, năm 2021 và sáu tháng đầu năm 2022, tình hình ngập lụt trên địa bàn thành phố diễn ra thường xuyên và phức tạp. Trong đó có 46 trận mưa với lượng mưa hơn 50mm, 18 trận mưa gây ngập, 10 đợt triều cường cao. Ngoài các nguyên nhân chủ quan, có nguyên nhân khách quan là mưa lớn có xu hướng gia tăng, tần suất xuất hiện những trận mưa có lượng mưa trên 100mm nhiều hơn, tập trung trong thời gian ngắn; triều cường có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Đáng chú ý, tổ hợp bất lợi đã xảy ra khi triều cường trên sông Sài Gòn dâng cao kết hợp mưa lớn cùng việc xả lũ của các hồ chứa thượng nguồn đã ảnh hưởng đến công tác chống ngập của thành phố.

Để hạn chế rủi ro do xả lũ và sự cố của hồ Dầu Tiếng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang xây dựng phương án, kế hoạch ứng phó khẩn cấp cho vùng hạ du sông Sài Gòn. Cùng với đó, có nhiều giải pháp công trình để hạn chế, giảm ngập cho khu vực hạ du nói chung và khu vực TP Hồ Chí Minh nói riêng. Đơn cử, để hạn chế ngập lụt do lũ các khu vực ven sông Sài Gòn phía thượng lưu, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương đều đã và đang xây dựng các tuyến đê ven sông. Khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh đã và đang xây dựng các công trình ngăn triều, chống ngập.

Dự báo, khu vực Tây Nguyên năm nay bị ảnh hưởng bởi dòng chảy của hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai và khu vực thượng nguồn sông Mê Công nên lượng mưa lũ sẽ lớn hơn, ông Trần Quang Hoài đề nghị các chủ hồ chứa, trong đó có hồ Dầu Tiếng tăng cường theo dõi dòng chảy và mưa lũ, lắp đặt trang thiết bị tiện theo dõi tự động; đồng thời vận hành đúng quy trình, xây dựng kịch bản ứng phó với việc xả lũ theo thiết kế, tránh gây ngập nặng, nhất là tại TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát tuyến thoát lũ để bảo đảm thông thoáng dòng chảy và có phương án bảo vệ sản xuất, cơ sở hạ tầng ở hạ lưu khi xả lũ theo thiết kế. “Nếu xả lũ theo thiết kế mà không có kịch bản, phương án sẽ gặp lúng túng và gây ngập cho những vùng hạ du”, ông Hoài nói.

Để giải quyết căn cơ bài toán xả lũ hồ Dầu Tiếng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình và hạ du, ông Tô Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa cho rằng, cần xem xét tổng thể các nhóm giải pháp công trình và phi công trình. Theo đó, Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa đề xuất giải pháp đầu tư bổ sung tràn sự cố cho hồ Dầu Tiếng. Đồng thời, cần có chương trình, kế hoạch nạo vét sông Sài Gòn nhằm tăng cường năng lực thoát lũ của hồ Dầu Tiếng, bảo đảm an toàn cho công trình đầu mối và vùng hạ du sông Sài Gòn.